Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng

Chính trị - Ngày đăng : 06:49, 02/07/2022

(HNM) - Ngày 30-6 vừa qua, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Báo cáo tại hội nghị khẳng định, 10 năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu và đạt những kết quả ấn tượng, nổi bật.

Bạn đọc Báo Hànộimới bày tỏ tin tưởng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục được nâng cao, làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm”…

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Quang Thái

Chánh Văn phòng Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Văn Ngự:
Đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có ý nghĩa rất quan trọng. Hội nghị bàn về những vấn đề liên quan đến “chống giặc nội xâm”, giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và hệ thống chính trị; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng. Qua hội nghị tôi nhận thấy, với chức năng, nhiệm vụ của mình cần nâng cao trách nhiệm để tạo sự thống nhất, đồng bộ và quyết tâm cao hơn nữa với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bí thư Đảng ủy xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) Nguyễn Thị Quỳnh Lâm:
Đề cao vai trò người đứng đầu để nâng cao sức chiến đấu

Kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 10 năm qua thể hiện rõ các nhóm vấn đề lớn. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện, xử lý nghiêm minh sai phạm, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, tạo đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ hội nghị tôi thấy cần phải đề cao hơn nữa vai trò người đứng đầu để nâng cao sức chiến đấu, sớm phát hiện, giải quyết kịp thời nhiều vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Huy Khiêm:
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũngsẽ có chuyển biến rõ rệt

Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực này là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với thực tiễn. Chỉ tính riêng nhiệm kỳ khóa XII, hơn 87.000 đảng viên bị kỷ luật, trong đó có hàng trăm cán bộ cấp cao... Điều đó cho thấy, tham nhũng, tiêu cực đã trở thành vấn nạn, len lỏi vào mọi lĩnh vực, mọi vị trí của đời sống xã hội; nhưng qua đó cũng là minh chứng cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng với quyết tâm đấu tranh không ngừng, không dừng, không nghỉ đã bước đầu mang lại kết quả quan trọng. Tôi tin tưởng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự sát sao, gương mẫu, có tâm, có tầm của đồng chí Tổng Bí thư trong chỉ đạo, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ có chuyển biến rõ rệt.

Ông Nguyễn Huy Am, phố Trần Bình, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy:
Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân

Theo tổng kết, tính riêng quý I-2022, có 125 vụ án, 259 bị can về tham nhũng bị khởi tố, tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Con số này chứng minh sự hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Chỉ đạo đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều chủ trương, chính sách thể hiện tính quyết đoán cao, sáng suốt, kịp thời, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sự quyết tâm cao của Đảng và cả hệ thống chính trị đã giúp Đảng ta tăng cường uy tín, danh dự, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào chính quyền và sự lãnh đạo của Đảng.

Ông Lê Đức Hưng, đảng viên Chi bộ số 6, phường Thượng Thanh, quận Long Biên:
Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng

Điều khiến người dân đặt trọn niềm tin là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giờ đây đã được thực hiện ở diện rộng hơn, sâu hơn và đặc biệt đã chuyển từ trạng thái bị động sang chủ động “tấn công” vào mọi nơi, mọi chỗ mà “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Thực tế cho thấy, đằng sau tất cả những vụ tham nhũng, tiêu cực đều có bóng dáng của cán bộ, công chức chủ mưu hoặc làm ngơ, dung túng, đồng phạm. Vì vậy, theo tôi, việc kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng, tiêu cực là chưa đủ mà phải xây dựng cơ chế để mỗi cán bộ, công chức không thể, không dám, không muốn, không cần phải tham nhũng. Đó mới là cái gốc của vấn đề.

Nhóm phóng viên