Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng
Xã hội - Ngày đăng : 07:20, 04/07/2022
- Thưa ông, các thế hệ thanh niên xung phong Thủ đô đã có những đóng góp cụ thể như thế nào trong những trang sử vẻ vang của dân tộc?
- Cách đây 72 năm, ngày 15-7-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam tổ chức một đội thanh niên tập trung dài ngày phục vụ chiến dịch, lấy tên là “Đội Thanh niên xung phong công tác”. Quyết định lịch sử ấy đã khai sinh ra Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương đầu tiên tại Núi Hồng (xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Từ đó, lực lượng thanh niên xung phong đã phát triển sâu rộng trong cả nước, đóng góp sức trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với khí thế của phong trào “Ba sẵn sàng”, hàng vạn thanh niên Thủ đô Hà Nội đã nô nức nộp đơn tình nguyện gia nhập thanh niên xung phong, trong đó có nhiều lá đơn được viết bằng máu.
Ngày 11-7-1965, Thành đoàn Hà Nội đã thành lập Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước đầu tiên gồm 7 đại đội, với 1.500 cán bộ, đội viên được lựa chọn từ hơn 4.000 lá đơn tâm huyết. Tiếp theo đó là hàng vạn cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong Thủ đô được biên chế trong các đội: N49, N51, N263, N265, N273, N279. Hầu hết các đội thanh niên xung phong của Hà Nội được phân công tham gia mở đường, bảo đảm mạch máu giao thông.
Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, hàng vạn thanh niên xung phong Thủ đô luôn sẵn sàng lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh để phục vụ kháng chiến, kiến quốc.
- Trong đợt kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam, Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Xin ông cho biết, trong dịp này, các hoạt động của Hội được tổ chức như thế nào?
- Chúng tôi sẽ tổ chức rất nhiều hoạt động ý nghĩa trong đợt kỷ niệm này, trong đó có hành trình về nguồn thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ tại hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình. Hội sẽ tổ chức đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vào ngày 8-7. Đúng vào ngày kỷ niệm Ngày truyền thống 15-7, Hội tổ chức chương trình ca nhạc chào mừng, trong đó có tặng quà cho cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, các cơ sở hội cũng có các hoạt động kỷ niệm tương ứng, bám sát nhiệm vụ chính trị và phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.
- Tiếp nối truyền thống anh hùng, cựu thanh niên xung phong Thủ đô đã có những hoạt động cụ thể nào đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thành phố, thưa ông?
- Sau 17 năm thành lập (15/7/2005 - 15/7/2022) Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội hiện có gần 5 vạn cán bộ, hội viên. Các cấp hội và hội viên đã phát huy tốt vai trò nhân chứng lịch sử, chủ động đề xuất tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện việc giải quyết chế độ chính sách đối với thanh niên xung phong; thực hiện tốt phương châm nơi nào có cựu thanh niên xung phong nơi đó có hoạt động hội; không ngừng đẩy mạnh phong trào “Vì nghĩa tình đồng đội”. Đến nay, Quỹ Nghĩa tình đồng đội của thành phố đã có gần 20 tỷ đồng; gần 50.000 suất quà đã được trao tặng thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn; hàng nghìn cựu thanh niên xung phong được khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; 200 cựu thanh niên xung phong được tặng thẻ bảo hiểm y tế; trao tặng 873 sổ tiết kiệm trị giá hơn 5 tỷ đồng đến cựu thanh niên xung phong; 178 ngôi nhà được xây mới trị giá hơn 8 tỷ đồng; 158 nhà dột nát được sửa chữa…
Cùng với đó, phong trào gia đình cựu thanh niên xung phong giúp nhau làm kinh tế giỏi đã thu hút hàng nghìn gia đình hội viên tham gia, hình thành 52 câu lạc bộ thanh niên xung phong làm kinh tế; giải quyết việc làm cho 4.120 con cháu thanh niên xung phong và người lao động, xóa nghèo được cho 523 gia đình hội viên…
Với những nỗ lực đó, Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội luôn được Thành ủy, UBND thành phố biểu dương, đánh giá cao; 16 năm liền được Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc. Việc Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất nhân kỷ niệm 17 năm thành lập thể hiện sự ghi nhận, trân trọng đối với những thành tích rất đáng tự hào của hội.
- Xin ông cho biết, để tiếp tục gìn giữ và truyền lại tinh thần xung phong cho thế hệ trẻ, cựu thanh niên xung phong Thủ đô sẽ có những việc làm gì?
- Thời gian tới, các cấp hội chú trọng việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung, phương thức hoạt động và đẩy mạnh thực hiện các nội dung phong trào “Vì nghĩa tình đồng đội”. Cùng với đó, phát huy vai trò nhân chứng lịch sử, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách đối với cựu thanh niên xung phong; phối hợp với Đoàn Thanh niên trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; tích cực hưởng ứng tham gia hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội do các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động...
Với tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, hội viên, Hội Cựu thanh niên xung phong Thủ đô quyết tâm giữ vững danh hiệu thi đua đơn vị xuất sắc, tốp dẫn đầu trong phong trào thi đua của cựu thanh niên xung phong toàn quốc; xây dựng hội ngày càng vững mạnh toàn diện, xứng đáng với niềm tin tưởng của lãnh đạo Trung ương, thành phố và đáp ứng nguyện vọng của hội viên cựu thanh niên xung phong Thủ đô.
- Trân trọng cảm ơn ông!