Lấp những khoảng trống với nghề giúp việc
Xã hội - Ngày đăng : 07:50, 04/07/2022
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam vừa thông tin, các quốc gia trên thế giới còn 75,6 triệu lao động giúp việc gia đình, tương ứng khoảng 94% số người làm nghề này khó tiếp cận hiệu quả với an sinh xã hội. Ở nước ta, số lượng lao động làm giúp việc gia đình chưa có thống kê cụ thể, nhưng đó là nghề được quy định rõ tại Bộ luật Lao động hiện hành, khá phổ biến trong xã hội. Đó là những người làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình, gồm: Nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em... và các công việc khác cho hộ gia đình, nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại. Người làm nghề này phải từ đủ 15 tuổi trở lên, được ký kết hợp đồng lao động.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Người lao động phải bồi thường theo thỏa thuận hoặc theo quy định nếu làm hỏng, mất tài sản của người sử dụng lao động cùng nhiều trách nhiệm khác.
Mặc dù quy định là thế, song trên thực tế, việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các bên còn tồn tại không ít bất cập. Về phía người lao động, nhiều người cho rằng đó là công việc tạm thời, nên ít có sự đầu tư. Bà Nguyễn Thị Lan, đến từ thị xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ), đang làm việc cho một gia đình tại chung cư Star Tower (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Vào những tháng nông nhàn, tôi đi làm giúp việc gia đình, ai cần gì tôi làm việc đó. Từ năm 2015 đến nay, tôi đã làm việc cho 8 hộ gia đình, nhưng không ký hợp đồng”.
Ngay cả những người làm việc cho các cơ sở chuyên về giúp việc gia đình, không phải ai cũng có tinh thần làm việc chuyên nghiệp. Ông Trần Gia Minh, chủ một cơ sở cung ứng lao động giúp việc gia đình ở phường Mỹ Đình II (quận Nam Từ Liêm) phản ánh: “Phải mất nhiều thời gian chúng tôi mới đào tạo được những người lao động làm việc tốt. Tiếc rằng, đa số người lao động không coi đây là công việc làm lâu dài, nên rất dễ bỏ việc... Đó cũng là lý do chúng tôi mong muốn ký hợp đồng lao động, đứng ra đóng bảo hiểm xã hội cho họ, song không dễ thực hiện”.
Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hà Đông Đỗ Thị Minh Loan cho rằng, mối quan hệ lao động đối với công việc giúp việc gia đình chưa hình thành rõ nét, gây thiệt thòi cho nhiều phía. Đối với người lao động, trước hết là họ giảm cơ hội tiếp cận, thụ hưởng các chính sách an sinh.
Để lấp dần những khoảng trống của nghề giúp việc gia đình, các ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp. Chẳng hạn, tại Hà Nội, từ năm 2017 đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng thực hiện dự án “Hỗ trợ lao động giúp việc gia đình tiếp cận chính sách an sinh xã hội, lao động và việc làm” tại một số quận nội thành. Nhờ đó, trên địa bàn thành phố hình thành 15 mô hình “Câu lạc bộ lao động giúp việc gia đình” với khoảng 600 thành viên, giúp họ có thêm kiến thức, kỹ năng làm việc. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tạo điều kiện để tuyển sinh, đào tạo ngành, nghề giúp việc gia đình.
Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công thương Hà Nội Ngô Kim Khôi cho biết, từ năm 2021, nhà trường xây dựng chương trình đào tạo ngành “Dịch vụ chăm sóc gia đình” với nội dung phong phú, bài bản. Tương lai không xa, nhà trường sẽ cung ứng cho thị trường lực lượng lao động chăm sóc gia đình chuyên nghiệp.
Góp phần đưa chính sách an sinh đến với nhóm lao động đặc thù này, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Cách làm của Hà Nội cũng được nhiều tỉnh, thành phố triển khai, cùng hướng tới mục tiêu đưa nghề giúp việc gia đình hình thành rõ nét và người lao động làm ngành, nghề này được tiếp cận, bảo vệ bởi lưới an sinh.