Không chủ quan với chấn thương thể thao

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:25, 04/07/2022

(HNM) - Việc tập luyện thể thao có vai trò quan trọng giúp nâng cao sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, trong quá trình luyện tập, nhiều người không may bị chấn thương. Điều trị sai cách, chấn thương thể thao sẽ trở thành mạn tính, khó phục hồi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, do đó không được chủ quan với chấn thương thể thao.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức khám cho bệnh nhân bị chấn thương thể thao. Ảnh: Trang Thu

Những sai lầm khi tự chữa trị

Thời gian gần đây, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp bị chấn thương do chơi thể thao, trong đó nhiều nhất ở lứa tuổi 20-35 tuổi (chiếm tới 70-80%). Chấn thương thường gặp ở các môn thể thao như: Bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, tennis, chạy bộ, đi xe đạp… Điều đáng nói, nhiều bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng muộn và phải tiến hành phẫu thuật, điều trị phục hồi chức năng lâu dài, thậm chí có người phải chịu di chứng không thể hồi phục.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bác sĩ Đỗ Văn Hải, Khoa Phẫu thuật chi trên và y học thể thao (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho biết, tỷ lệ bệnh nhân bị chấn thương thể thao đến khám tương đối cao, chiếm 20-30% tổng số người đến khám. Trong đó có không ít trường hợp sau khi bị chấn thương thường hay bỏ sót các thương tổn. Thậm chí, có bệnh nhân còn hiểu sai về chấn thương của mình và cho rằng, chấn thương chỉ ở phần mềm, sau thời gian luyện tập sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, nếu chấn thương không được xử lý đúng sẽ để lại các vấn đề, như: Cứng khớp, đau, khó chịu…

“Bệnh viện cũng đã tiếp nhận không ít trường hợp khi bị chấn thương tìm đến các thầy lang để đắp thuốc nam không rõ nguồn gốc, dẫn đến nhiễm trùng các cơ quan vận động, như: Nhiễm trùng khớp, xơ cứng, viêm tấy tại bộ phận tổn thương… Phần lớn các trường hợp này đều phải phẫu thuật. Thậm chí, do đến bệnh viện muộn nên có người phải chịu di chứng, chức năng vận động bị ảnh hưởng không thể hồi phục. Đáng tiếc là người bệnh không thể quay trở lại chơi những môn thể thao yêu thích”, bác sĩ Hải thông tin.

Chấn thương thể thao có nhiều mức độ, nhẹ nhất là sưng nề phần mềm, nặng thì khiến người bệnh đau dai dẳng, kéo dài. PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Trưởng khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao lưu ý, nhiều người bị chấn thương nhưng chủ quan chỉ chườm nóng hoặc lạnh, bôi mật gấu, dầu nóng... Khi đau kéo dài họ mới đến bệnh viện thì đã gặp phải những biến chứng đáng tiếc, như: Rách sụn chêm thứ phát, mòn sụn làm giảm tuổi thọ của khớp…

Thậm chí, với tai nạn bong gân, trật khớp xảy ra khá phổ biến khi chơi thể thao nhưng nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là thương tích nhẹ, nên đã tự dùng dầu nóng, rượu ngâm xoa vào vùng tổn thương. Cách điều trị sai lầm này có thể để lại những hậu quả khôn lường. Theo các bác sĩ, đối với các tổn thương này nghiêm cấm dùng các chất nóng tác động tại chỗ vì dễ gây chảy máu mạnh hơn, có thể dẫn đến teo cơ, cứng khớp...

Tập luyện thể thao đúng kỹ thuật và phù hợp với sức khỏe giúp hạn chế chấn thương.

Cần luyện tập đúng phương pháp

Cả vận động viên chuyên nghiệp và người chơi thể thao nghiệp dư đều có thể gặp chấn thương với bất kỳ môn thể thao nào. Thế nhưng, với những người chơi thể thao nghiệp dư, thì có đến 60-70% bị các chấn thương. Nguyên nhân chính, theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh là do khởi động không đúng cách. Thêm nữa, nhiều người tập luyện không phù hợp với thể trạng và sức khỏe của bản thân, mới tập đã tập với cường độ cao, tập trong thời gian dài…

Bác sĩ Đỗ Văn Hải cho biết thêm, chấn thương do tập thể thao không đúng cách thường gặp là tổn thương mặt khớp, giãn dây chằng, rạn xương, gãy xương… Mỗi môn thể thao đều có đặc thù riêng. Do đó, trước khi lựa chọn chơi môn thể thao nào, người tập nên tìm hiểu kỹ, tham gia một khóa đào tạo để chơi đúng kỹ thuật, với cường độ phù hợp với sức khỏe của bản thân. Nếu tập sai kỹ thuật sẽ ảnh hưởng nhiều đến chức năng của các cơ quan vận động.

“Khi tham gia chơi thể thao nên có huấn luyện viên hướng dẫn; từ đó sẽ giúp chúng ta chơi đúng cách để tránh được những chấn thương đáng tiếc xảy ra. Khi người bệnh có những biểu hiện đau, lỏng khớp, gây hạn chế hoạt động thể thao và sinh hoạt thì cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Người bệnh không nên chủ quan, tự ý tìm mua đơn thuốc về dùng hoặc dùng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc đắp hoặc xoa bóp”, bác sĩ Đỗ Văn Hải khuyến cáo.

Để bảo đảm sức khỏe khi tham gia tập luyện thể dục, thể thao, theo bác sĩ Nguyễn Thị Ly, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cần uống nhiều nước, tránh để bị mất nước trong khi luyện tập. Bởi, nước giúp điều chỉnh nhiệt độ, duy trì lượng máu ổn định và mức ô xy mà cơ thể cần để vận động. Ngoài ra, nên mặc quần áo phù hợp, không gây gò bó cho các cơ, khớp, thấm mồ hôi và thoáng mát. Khởi động kỹ trước khi luyện tập sẽ giúp cơ không bị giãn bất ngờ. Tăng dần cường độ hoạt động sẽ giúp cơ chắc khỏe hơn, tăng khả năng chịu đựng. Ngoài ra, người chơi cần sử dụng dụng cụ thể thao phù hợp; không luyện tập với cường độ quá cao để tránh gây áp lực lên cơ, khớp…

Thu Trang