Thành phố Đà Nẵng: Quy hoạch hợp lý để bảo tồn và phát triển
Kinh tế - Ngày đăng : 07:40, 04/07/2022
Lưu giữ giá trị truyền thống
Dự thảo “Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã xác định mục tiêu đến năm 2030, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,5-10%/năm; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 7.000-7.500 USD; phấn đấu mức thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 9-11%/năm... Các khu vực trọng điểm kinh tế được xác định gồm: Trung tâm thành phố; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao; Trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics; Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng ven biển và trung tâm du lịch vui chơi giải trí phức hợp và kinh tế đêm...
UBND thành phố Đà Nẵng đã giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về nhiệm vụ “Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tham gia góp ý vào dự thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng cho rằng, những năm qua Đà Nẵng đã rất nỗ lực để giữ lại những di sản văn hóa - lịch sử giá trị, nên khi xây dựng quy hoạch mới, chính quyền cần quan tâm đến yếu tố này. Đơn cử, công trình Cầu Rồng đã được thiết kế, tính toán rất cẩn thận để không làm ảnh hưởng đến không gian Bảo tàng Điêu khắc Chăm gần đó...
Đồng quan điểm trên, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo nêu ý kiến, cần giữ gìn các giá trị văn hóa, bản sắc của người Đà Nẵng; lưu giữ khu vực “phố cổ” mang tính biểu tượng ở trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, khu trung tâm thành phố cần có quy định thống nhất về kiến trúc mái nhà để tạo nét riêng, thu hút du khách. Các khu phố đi bộ, chợ đêm không cần phải quá rộng mà có thể chỉ đơn giản là những con hẻm lát gạch, với những hàng quán ăn uống, bán đồ lưu niệm...
Chọn hướng phát triển phù hợp
Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng, Đà Nẵng cũng còn không ít hạn chế trong quy hoạch, một số dự án còn tác động đến môi trường - nhất là môi trường ven biển và dưới đáy biển, ảnh hưởng đến bảo tồn di sản văn hóa. Hay, đáng quan tâm hơn là một số quy hoạch “treo” hàng chục năm như: Dự án di dời ga đường sắt, Dự án Làng đại học Đà Nẵng… Đây là những điểm mà quy hoạch mới cần khắc phục.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng góp ý: Đà Nẵng cần sớm hoàn thiện quy hoạch để phát triển, dựa trên các định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phải khắc phục được những điểm hạn chế, chưa phù hợp của quy hoạch cũ.
Cụ thể, không nên quy hoạch gói gọn trong diện tích hiện tại của thành phố mà phải đặt trong chuỗi đô thị miền Trung, đặc biệt là sự kết nối với các đô thị tại các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... Đồng thời, các nhà quy hoạch phải xác định quy mô dân số cụ thể thì mới có thể quy hoạch cho phù hợp, tránh lãng phí, gây nên tình trạng thừa hoặc thiếu trong xây dựng hạ tầng. Hiện nay, thành phố đang điều chỉnh cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, nhưng Đà Nẵng vốn là một thành phố du lịch nổi tiếng, nên vẫn phải giữ du lịch - dịch vụ là trụ cột chính.
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng Lê Thanh Tùng, dự thảo “Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” vừa hoàn thành việc lấy ý kiến cộng đồng, với tổng số phiếu góp ý là 1.800. Hầu hết đều thống nhất cao với các nội dung trong dự thảo, với tỷ lệ từ 97% trở lên cho mỗi nội dung. Bên cạnh đó, người dân và các tổ chức đã đưa ra hơn 500 ý kiến đóng góp, tập trung trong các lĩnh vực: Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế, các ngành lĩnh vực xã hội; hiện trạng sử dụng đất; hiện trạng phân bổ không gian đô thị, khu chức năng, hạ tầng kỹ thuật, xã hội; định hướng phát triển ngành Du lịch, ngành Giáo dục và Đào tạo... “Đây là những góp ý hết sức ý nghĩa để các cấp chính quyền thành phố tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo, sớm trình Chính phủ phê duyệt”, bà Lê Thanh Tùng khẳng định.