Bám sát tình hình, chỉ đạo sản xuất linh hoạt

Nông nghiệp - Ngày đăng : 08:00, 04/07/2022

(HNM) - Vụ mùa năm 2022, toàn thành phố Hà Nội gieo trồng gần 95.000ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa khoảng 74.000ha, phấn đấu năng suất đạt 58,3 tạ/ha. Đến nay, toàn thành phố gieo trồng được khoảng hơn 40% diện tích lúa mùa. Dù khởi đầu với nhiều khó khăn như: Yếu tố thời vụ, thời tiết, nông dân Hà Nội còn phải đối mặt với giá cả vật tư tăng cao, dịch hại cây trồng..., song các địa phương đang nỗ lực, tập trung hoàn thành gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất.

Nông dân huyện Phú Xuyên áp dụng mạ khay, cấy máy vào sản xuất, góp phần đẩy nhanh sản xuất vụ mùa 2022.

Vụ mùa năm nay, kế hoạch của huyện Quốc Oai gieo cấy hơn 3.500ha lúa, tuy nhiên đến nay, toàn huyện mới gieo cấy được hơn 20% diện tích; dự kiến đến ngày 10-7, toàn huyện mới hoàn thành. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm, do thời tiết bất thường nên thời gian sinh trưởng của cây lúa trong vụ xuân kéo dài dẫn tới việc thu hoạch kết thúc muộn so với mọi năm 10-15 ngày. Chính vì vậy, công tác triển khai vụ mùa của địa phương khá cập rập. Khoảng thời gian làm đất, chuẩn bị cho vụ mùa rất ngắn, nhất là với trà sớm cấy trong tháng 6. Nông dân vừa gặt, vừa làm đất, gieo mạ, căng thẳng cả về thời vụ, nhân lực, máy móc... nếu các hợp tác xã không chỉ đạo sát sao, phối hợp nhịp nhàng sẽ rất khó đạt tiến độ.

Ngoài ra, một nỗi lo nữa của nông dân là dịch bệnh dễ phát sinh gây hại giai đoạn đầu vụ. “Giữa tháng hè cao điểm nhưng thời tiết ở Hà Nội vẫn mưa, nắng thất thường, nền nhiệt thay đổi đột ngột. Theo kinh nghiệm, ở thời kỳ mạ, lá lúa non, nhiều khả năng sẽ xuất hiện bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ gây hại... Do đó, khi bắt tay vào sản xuất vụ mùa, ngoài tập trung làm đất kỹ, sử dụng thêm chế phẩm sinh học để phân hủy nhanh rơm rạ trên đất 2 vụ, gia đình tôi áp dụng triệt để phương pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI), cấy thưa, cấy nông tay để phòng trừ sâu bệnh hại”, ông Nguyễn Văn Chiến, xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) chia sẻ.

Còn tại huyện Chương Mỹ, vụ mùa này toàn huyện cũng gieo cấy 7.150ha lúa. Xác định vụ mùa gặp nhiều khó khăn về thời tiết, tình hình sâu bệnh hại… huyện đã đề nghị các địa phương hướng dẫn nông dân hạn chế sử dụng giống lúa nhiễm bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn ở vùng thường xuyên bị nhiễm bệnh nặng. Mặt khác, để tiết kiệm vật tư phân bón, huyện khuyến cáo nông dân bón phân theo phương châm "nặng đầu - nhẹ cuối", thực hiện bón đúng, đủ và cân đối các loại phân, phù hợp từng chân đất, từng giống; đồng thời tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ; thay thế phân bón vô cơ bằng phân bón hữu cơ theo tỷ lệ phù hợp điều kiện sản xuất trồng trọt của địa phương. Lấy bón phân cân đối và bón đúng cách làm biện pháp quan trọng trong thâm canh và hạn chế sâu bệnh.

Trước những khó khăn hiện hữu, để bảo đảm sản xuất thắng lợi, ngành Nông nghiệp Hà Nội xác định phải bám sát tình hình, linh hoạt trong chỉ đạo sản xuất. Theo Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Thuần, cao điểm gieo cấy vụ mùa, dự báo mưa nhiều, do vậy các địa phương cần tuyên truyền nông dân chủ động mở rộng phương thức gieo mạ nền, dày xúc hoặc mạ khay, cấy bằng máy. Ngoài ra, cần dự phòng mạ cho khoảng 10% diện tích cấy, dự phòng giống cho khoảng 20% diện tích cấy bằng các giống ngắn ngày để khi úng lụt có giống gieo ngay; tranh thủ mọi điều kiện, huy động nguồn lực tập trung cấy càng sớm càng tốt để né ngập úng sau gieo cấy cũng như mưa bão cuối vụ và lép hạt do khó khăn trong giai đoạn lúa thụ phấn...

Toàn thành phố đang cố gắng kết thúc gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất (trước ngày 5-7) nhằm hướng tới vụ mùa bội thu.

Sơn Tùng