Kỳ vọng về một ''Ngân hàng gen liệt sĩ''
Đời sống - Ngày đăng : 06:31, 06/07/2022
Xoa dịu nỗi đau
Gặp Đại tá Nguyễn Hùng Phong tại nhà riêng ở phố Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội), chúng tôi không khỏi bất ngờ. Dù đã 82 tuổi, nhưng ông vẫn bền bỉ với những hành trình vô cùng gian nan qua hàng chục nghĩa trang, cùng đồng đội làm công tác khai quật mộ, lấy mẫu sinh phẩm đưa vào giám định ADN để xác định danh tính liệt sĩ suốt hơn 10 năm qua. Càng nể hơn, khi biết ông là thương binh hạng 3/4, trên cơ thể còn lưu dấu nhiều vết thương do chiến tranh.
Thoáng lặng khi nhắc về nỗi đau riêng của gia đình, Đại tá Nguyễn Hùng Phong cho biết: “Anh trai tôi tên là Nguyễn Anh Cường, sinh năm 1933, hy sinh năm 1967, tại chiến trường Tây Nguyên khi là Tiểu đoàn trưởng của một đơn vị tên lửa. Đau đáu tâm nguyện tìm hài cốt của anh, nhưng mấy lần vào Tây Nguyên, căn cứ theo hồ sơ, bản đồ do đồng đội cung cấp, có sự giúp đỡ rất nhiệt tình của đội quy tập thuộc Tỉnh đội Gia Lai, tôi vẫn không sao tìm được”.
Tự nhủ “với những gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có điều kiện tiếp cận hệ thống thông tin tìm kiếm liệt sĩ, việc tìm hài cốt liệt sĩ còn khó gấp bội phần”, Đại tá Nguyễn Hùng Phong quyết định dấn thân vào hành trình tìm kiếm hài cốt, xác định danh tính liệt sĩ. Sự thôi thúc làm công việc nghĩa tình này càng mạnh, khi ở thời điểm ông mới về hưu năm 2001, xuất hiện nhiều gia đình tự tìm kiếm liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm, thông qua các nhà ngoại cảm, nên xảy ra tình trạng cất, bốc mộ nhầm lẫn, khiến các gia đình liệt sĩ vừa tốn tiền của, vừa mất lòng tin.
Đồng cảm với chồng, Đại tá, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Trang chia sẻ: “Trải qua những tháng ngày bom đạn khốc liệt, làm công tác điều trị thương, bệnh binh, bản thân có những ký ức day dứt không thể quên, nên tôi hết lòng ủng hộ chồng tìm kiếm đồng đội”.
Với ông bà, mỗi hài cốt liệt sĩ được xác định danh tính, đưa về với gia đình liệt sĩ, là một lần dịu đi nỗi đau chung do chiến tranh để lại, cũng là xoa dịu nỗi đau riêng của gia đình.
Lặng thầm đi tìm mộ đồng đội
Hành trình hơn 10 năm xác minh danh tính, đưa hài cốt liệt sĩ trở về với gia đình của Đại tá Nguyễn Hùng Phong thực sự công phu. Ông đã cùng đồng đội tiến hành tỉ mỉ việc khai thác, khớp nối các nguồn thông tin, rồi trực tiếp đi khai quật, lấy mẫu sinh phẩm hài cốt và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ thuộc các nhóm mộ do các cựu chiến binh và gia đình liệt sĩ cung cấp ở các nghĩa trang: Hương Thủy, Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế); Ba Dốc (tỉnh Quảng Bình); Hướng Hóa, Gio Linh (tỉnh Quảng Trị); Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang)… Sau đó, đến nhiều tỉnh, thành phố lấy hàng trăm mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, phục vụ công tác giám định đối khớp. Qua đó, ông và đồng đội đã xác định đúng danh tính của hàng trăm liệt sĩ.
Đại tá Nguyễn Hùng Phong chia sẻ: “Chúng tôi phải kết hợp đồng bộ giữa phương pháp thực chứng từ di vật của liệt sĩ, thu thập thông tin từ đồng đội, các đơn vị quân đội, Ban liên lạc cựu chiến binh, hồ sơ các trận đánh và phương pháp giám định ADN để bảo đảm chính xác. Mỗi lần tìm được những mẫu sinh phẩm từ mảnh hài cốt còn tốt, thực sự là mừng hơn bắt được vàng”.
Dù ở tuổi “xưa nay hiếm”, Đại tá Nguyễn Hùng Phong vẫn kể rành rọt về những điểm nhấn đáng nhớ trong hành trình dài tìm kiếm đồng đội. Đó là hành trình tìm hài cốt của hơn 100 đồng đội đã hy sinh thuộc Trung đoàn 27, Sư đoàn 341, từng chiến đấu ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị năm 1972. Hơn 100 mộ, mà chỉ lấy được 69 mẫu sinh phẩm của thân nhân để đối chiếu khi làm giám định và chỉ xác định được danh tính 7 liệt sĩ. Hay hành trình khai quật 29 hài cốt ở Nghĩa trang Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), trong đó có 6 mộ xác định được danh tính liệt sĩ…
Hiện tại, còn khoảng 200 nghìn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt và số liệt sĩ đã được quy tập tại các nghĩa trang chưa xác định được danh tính còn hơn 300.000 người. Thông tin về các liệt sĩ ngày càng bị mai một, vì các nhân chứng ít dần, hài cốt liệt sĩ bị phân hủy, rất khó lấy được mẫu ADN, dẫn đến việc thu thập thông tin tìm kiếm và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, kỳ vọng về một “Ngân hàng gen liệt sĩ”, giúp cho các gia đình có nguyện vọng xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng giám định ADN luôn đau đáu đối với Đại tá Nguyễn Hùng Phong.