HĐND thành phố Hà Nội thông qua nhiều nghị quyết quan trọng
Chính trị - Ngày đăng : 16:27, 06/07/2022
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên điều hành phiên họp.
Sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường với khoáng sản
Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, HĐND thành phố nhất trí sửa đổi mức thu phí tại điểm b, khoản 4, Phần B Danh mục các khoản phí và lệ phí ban hành kèm theo Nghị quyết số 6/2020/NQ-HĐND ngày 7-7-2020 của HĐND thành phố về việc ban hành một số quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố.
Cụ thể, mức thu phí đối với các loại khoáng sản: Đá làm vật liệu xây dựng thông thường, mức phí là 8.000 đồng/m3; các loại đá khác (đá vôi, đá sét làm xi măng, Puzolan) mức phí là 4.800 đồng/tấn; các loại cát khác (cát san lấp, cát xây dựng...) mức phí là 7.600 đồng/m3; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình mức phí là 3.200 đồng/m3; đất sét, đất làm gạch, ngói mức phí là 3.200 đồng/m3; cao lanh mức phí là 11.200 đồng/m3; nước khoáng thiên nhiên mức phí 4.800 đồng/m3; than bùn mức phí 16.000 đồng/tấn.
Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định thu phí, lệ phí
Tại kỳ họp, các đại biểu cũng nhất trí thông qua Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố ban hành kèm theo Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 07-7-2020.
Thứ nhất: Sửa đổi điểm b, khoản 18, phần A quy định thu phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường như sau: “b. Mức thu phí theo 7 nhóm dự án…” - Mức thu phí 7 nhóm dự án nêu trên đã bao gồm các chi phí cần thiết cho quá trình thẩm định như: Chi phí khảo sát thực tế tại địa điểm dự kiến thực hiện dự án và tổ chức họp của Hội đồng thẩm định; không bao gồm chi phí quan trắc, lấy mẫu và phân tích phát sinh trong quá trình thẩm định.
Trường hợp dự án đầu tư thuộc từ 2 nhóm dự án trở lên, thực hiện thu phí thẩm định theo nhóm dự án có mức thu phí cao nhất.
Thứ hai: Sửa đổi điểm a, b, khoản 21, phần A quy định thu phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung đối với tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở khai thác khoáng sản khi đã nộp đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND thành phố Hà Nội.
Điều chỉnh giảm 16 dự án thu hồi đất năm 2022
HĐND thành phố cũng đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2022; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định tại Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 10-12-2021 của HĐND thành phố.
Theo đó, điều chỉnh giảm các dự án đã được xác định tại Nghị quyết số 35/NQ HĐND ngày 10-12-2021 của HĐND thành phố gồm 16 dự án thu hồi đất năm 2022 với diện tích 59,13ha và 2 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2022 với diện tích 1,65ha.
Điều chỉnh, bổ sung nội dung các dự án đã được xác định tại Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 10-12-2021 của HĐND thành phố, gồm điều chỉnh tăng về quy mô, diện tích đất thu hồi tại 59 dự án với diện tích 48,85ha và diện tích đất trồng lúa tại 60 dự án với diện tích 63,2 ha; điều chỉnh giảm diện tích đất thu hồi tại 7 dự án với diện tích 2,04 ha và diện tích đất trồng lúa tại 1 dự án với diện tích 0,76ha.
HĐND thành phố cũng điều chỉnh tên dự án, đơn vị đăng ký, địa danh cấp xã thực hiện dự án (không thay đổi diện tích đất thu hồi và đất trồng lúa) tại 21 dự án. Ngoài ra, bổ sung danh mục 379 dự án thu hồi đất năm 2022 và 185 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2022.
Về kinh phí bố trí để bồi thường, giải phóng mặt bằng, trên cơ sở danh mục dự án được HĐND thành phố thông qua, các dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố được cân đối trong nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách thành phố năm 2022 của HĐND thành phố. Các dự án sử dụng ngân sách cấp quận, huyện, thị xã do quận, huyện, thị xã bố trí; các dự án ngoài ngân sách do chủ đầu tư tự bố trí theo tiến độ đầu tư, đảm bảo bố trí đủ kinh phí phần giải phóng mặt bằng năm 2022.
Quy định mức trần học phí cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao
HĐND thành phố cũng đã thông qua Nghị quyết quy định về mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô năm học 2022-2023.
Đáng lưu ý, nguyên tắc xây dựng mức trần học phí đối với hình thức học trực tuyến (online) bằng 75% mức trần học phí theo hình thức học trực tiếp của các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao và được làm tròn đến đơn vị nghìn đồng.
Theo đó, mức trần học phí cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao cụ thể như sau:
- Trường mầm non, học trực tiếp mức học phí trần là 5.100.000 đồng/học sinh/tháng; học trực tuyến là 3.825.000 đồng/học sinh/tháng.
- Trường tiểu học, học trực tiếp mức học phí trần là 5.500.000 đồng/học sinh/tháng; học trực tuyến là 4.125.000 đồng/học sinh/tháng.
- Trường THCS, học trực tiếp mức học phí trần là 5.300.000 đồng/học sinh/tháng; học trực tuyến là 3.975.000 đồng/học sinh/tháng.
- Trường THPT, học trực tiếp mức học phí trần là 5.700.000 đồng/học sinh/tháng; học trực tuyến là 4.275.000 đồng/học sinh/tháng.
Thời gian thực hiện mức học phí mới từ năm học 2022-2023.