Không lãng phí tài sản công!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:02, 07/07/2022
Những năm vừa qua, việc xây dựng, quản lý các nhà tái định cư; vận hành nhà chung cư cũng như việc cho các cơ quan, tổ chức… thuê sử dụng nhà chuyên dùng đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong tiến trình phát triển…
Tuy nhiên, có thể thẳng thắn nhìn nhận: Công tác quản lý nhà, đất - tài sản công của nhiều cơ quan, đơn vị… trên địa bàn thành phố còn bất cập, không chỉ sử dụng thiếu hiệu quả, mà còn để xảy ra sai phạm - vi phạm các quy định của pháp luật. Việc này gây lãng phí tài sản công, thất thoát ngân sách… và để lại không ít hệ lụy.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên như: Sự chậm trễ trong công tác tham mưu, xây dựng chính sách liên quan đến lĩnh vực này hay việc thiếu cơ chế để có thể khai thác hiệu quả nhà, đất tại các cơ quan khi chưa sử dụng hết công suất… Đặc biệt là những bất cập, vi phạm trong quản lý, sử dụng quỹ nhà, quỹ đất thuộc sở hữu nhà nước trong một thời gian dài không được xử lý dứt điểm.
Thời gian gần đây, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt phương án sắp xếp lại 10.711 cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc (tổng diện tích đất 43.791.407m2, diện tích nhà 9.919.172m2); qua đó xác định 653 cơ sở, với 5.821.542m2 đất và 359.503m2 nhà là nhà, đất dôi dư, sử dụng không đúng quy định để xử lý.
Để khai thác, sử dụng hiệu quả khối tài sản của Nhà nước có giá trị rất lớn với thành phố, còn nhiều việc phải làm. Một trong những việc cần tập trung thực hiện trong thời gian tới đã được lãnh đạo thành phố chỉ ra là, rà soát quỹ nhà, đất là tài sản công, bảo đảm đầy đủ, chính xác… cập nhật vào cơ sở dữ liệu chung; đồng thời nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, khai thác tài sản công của thành phố.
Cùng với đó là tăng cường kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Trong đó, chú trọng việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đặc biệt là nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức… trong việc quản lý, sử dụng tài sản công nói chung, tài sản công là nhà, đất nói riêng.
Mặt khác là khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà 30%, quỹ đất 20-25% của các dự án phát triển nhà ở thương mại cũng như dự án đầu tư phát triển đô thị. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện sớm các sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công là nhà, đất, kịp thời căn chỉnh, uốn nắn, xử lý nghiêm sai phạm và xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Nhà, đất - tài sản công là nguồn tài sản lớn của thành phố được hình thành qua nhiều thời kỳ, do vậy cần được quản lý, khai thác sử dụng một cách hiệu quả, nhất quyết không để lãng phí hay xảy ra sai phạm!