Chưa tiêm vắc xin, một cụ bà rơi vào tình trạng nguy kịch sau khi mắc Covid-19
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:43, 07/07/2022
Bệnh nhân M nhập viện trong tình trạng ý thức lơ mơ, tím tái, khó thở, phải thở ôxy hỗ trợ, cơ thể gầy yếu, suy kiệt nặng. Khai thác kỹ tiền sử cho thấy bệnh nhân chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 và có nhiều bệnh lý nền đi kèm, nằm tại chỗ nhiều năm, thuộc nhóm nguy cơ rất cao.
Ngay từ khi bệnh nhân nhập viện, mặc dù được chẩn đoán, xử trí cấp cứu, điều trị kịp thời theo đúng phác đồ, nhưng bệnh tiến triển nặng lên nhanh chóng với biểu hiện viêm phổi, suy hô hấp tăng nhanh, phù thiểu dưỡng toàn thân, huyết áp xu hướng tụt đe dọa sốc nhiễm khuẩn.
Tiến sĩ Vũ Viết Sáng, Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) chia sẻ, trong quá trình điều trị, bệnh nhân có đợt bội nhiễm, viêm phổi, có biến chứng sốc nhiễm khuẩn, nên tiên lượng càng khó khăn hơn. Sau khi đặt ống nội khí quản thở máy xâm nhập 1 tuần, bệnh nhân được quyết định mở khí quản để chăm sóc lâu dài. Do bệnh nhân tuổi cao, suy kiệt nặng, có nhiều bệnh lý nền, lại có thêm biến chứng sốc nhiễm khuẩn do bội nhiễm viêm phổi vi khuẩn đa kháng nên các bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cai thở máy cho bệnh nhân.
“Mặc dù sau khi bệnh nhân đã thoát sốc, viêm phổi ổn định, cắt thuốc an thần sớm, kết hợp vật lý trị liệu hô hấp, nuôi dưỡng nâng đỡ cơ thể tích cực, nhưng do sức thở yếu, nên sau hơn 2 tháng mới cai thở máy thành công. Đây là một ca bệnh thành công ngoài mong đợi của chúng tôi”, ông Vũ Viết Sáng nói.
Sau hơn 2 tháng kiên trì điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo hơn, tiếp xúc được, bỏ được máy thở, có thể tự thở qua lỗ mở khí quản, tuy nhiên các phản xạ còn yếu. Sau đó, bệnh nhân được ra viện trong sự vui mừng, hạnh phúc chờ đón của đại gia đình.
Đại dịch Covid-19 vẫn đang là mối đe dọa tới sức khỏe của mọi người, nhất là với đối tượng nguy cơ cao như: Người cao tuổi, người có nhiều bệnh lý nền, người chưa tiêm phòng vắc xin… Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ cá nhân và cộng đồng là tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19, trong đó cần đặc biệt lưu ý tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) và mũi tăng cường (mũi 4) trong diện chỉ định tiêm.
Riêng mũi 4 đặc biệt hữu ích đối với những người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp.