Tạo động lực mới cho nông nghiệp
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:18, 07/07/2022
Tăng trưởng đạt 2,8%
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt, đầu năm 2022, thời tiết khá khắc nghiệt ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực trồng trọt; giá vật tư nông nghiệp, xăng dầu… tăng mạnh tác động đến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 vẫn đạt 2,8%; bảo đảm ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường.
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường thông tin, cả nước đã gieo cấy 5,2 triệu héc ta lúa, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021, năng suất đạt 65,1 tạ/ha, sản lượng khoảng 23,17 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Các loại cây ăn quả chủ lực như: Xoài, bưởi, dứa, vải, nhãn, chuối... đều tăng cả về diện tích và sản lượng.
Còn theo Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long, ngành chăn nuôi đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Từ việc tăng cường kiểm soát chất lượng con giống, đàn gia súc, gia cầm đã được duy trì, phát triển; tổng sản lượng thịt các loại đạt tới 3,4 triệu tấn. Đặc biệt, Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin bệnh Dịch tả lợn châu Phi, góp phần phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm cho sản xuất.
Nhận định về kết quả đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân cho biết: Mặc dù giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến khai thác thủy sản, nhưng thời tiết trên biển tương đối thuận lợi và những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do được triển khai hiệu quả… đã tạo động lực đưa tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 lên tới 4,2 triệu tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tăng khá mạnh với mức 7,4%.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng 2,39% so với cùng kỳ năm trước. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho hay, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã triển khai có hiệu quả các hoạt động sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại… qua đó góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tiết giảm chi phí “đầu vào” sản xuất
Kết quả sản xuất 6 tháng đầu năm 2022 là rất đáng ghi nhận, nhưng theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt, việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản an toàn ở một số địa phương còn chậm. Mặt khác, nguyên liệu vật tư “đầu vào” như giá thức ăn chăn nuôi, phân bón... tăng cao, trong khi giá sản phẩm nông nghiệp có tăng nhưng vẫn ở mức thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập, sinh kế, đời sống của người nông dân...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kinh tế trong nước đang trong quá trình phục hồi, dự báo tăng trưởng khá lạc quan. Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng năm 2022 là 2,8-3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 55 tỷ USD, cao hơn mức Chính phủ giao là 5 tỷ USD.
Để đạt mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh từ đầu tư, nghiên cứu chọn tạo giống đến xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Mặt khác là từng bước tự chủ nguồn cung, giảm nhập khẩu để không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới, góp phần ổn định và giảm chi phí “đầu vào” cho sản xuất.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, cùng với các giải pháp cho từng lĩnh vực (cây trồng, vật nuôi, thủy sản...), Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với Sở Công Thương triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất, qua đó giúp ngành Nông nghiệp Hà Nội phát triển mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2022.
Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh Bùi Thị Hạnh Hiếu thông tin, thời gian tới, công ty tiếp tục đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, liên kết theo chuỗi, xây dựng thương hiệu để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu…
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, ngành Nông nghiệp đang trong giai đoạn chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Việc tăng giá trị, giảm chi phí không phải là để đối phó với tình hình giá vật tư “đầu vào” tăng cao mà là chuyển sang nền kinh tế nông nghiệp, tiết giảm chi phí “đầu vào” trong bất kỳ bối cảnh nào. Có như vậy, ngành Nông nghiệp mới phát triển ổn định, bảo đảm an ninh lương thực, đẩy mạnh xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.