Tiếp tục ''lạ hóa một cuộc chơi''
Văn hóa - Ngày đăng : 06:41, 08/07/2022
Những hiện tượng “lạ”
Dấu hiệu để nhận biết sự xuất hiện của các nhà văn trẻ là những hiện tượng, những “ồn ào” văn học xung quanh họ. Điển hình cho sự “trình làng” gây được nhiều chú ý như thế là Huỳnh Trọng Khang, sinh năm 1994, với “Mộ phần tuổi trẻ” (2016). Có không ít ý kiến chê cách viết “làm dáng” và chỉ ra những “hạt sạn” trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn 9x này. Tuy vậy, từ đề tài đến lối viết, có thể thấy một bút lực đầy đặn trong sáng tác của Huỳnh Trọng Khang khi anh “dám” dấn thân vào những câu chuyện của quá khứ gần vốn dễ gây tranh cãi và không hẳn đã thuận chiều trong tiếp nhận. Đáng mừng là Huỳnh Trọng Khang không để độc giả “quên” anh khi tiếp tục xuất bản tiểu thuyết “Những vọng âm nằm ngủ” (2018), tập truyện ngắn “Phật trong hẻm nhỏ” (2021).
Nguyễn Khắc Ngân Vy, sinh năm 1989, cũng là một cái tên gây được chú ý khi ra mắt tiểu thuyết “Đàn bà hư ảo” (2016). Từ tiêu đề đến nội dung và nghệ thuật trần thuật của tiểu thuyết, có vẻ như “Đàn bà hư ảo” khó có thể là sáng tác của một cô gái thuộc cuối thế hệ 8x, bởi sự già dặn và từng trải ẩn trong câu chữ. Với những câu chuyện về giới nữ được lột tả trần trụi mà thẳm sâu đến tận cùng, “Đàn bà hư ảo” và ngay sau đó là “Phúc âm cho một người” (2017) ít nhiều khiến độc giả sửng sốt khi đã tạo ra những ám ảnh “giới” đặc biệt (dẫu đôi khi vượt ngưỡng).
Gần đây, Lê Khải Việt cũng gây xôn xao trong văn giới. Lê Khải Việt sinh năm 1983, tốt nghiệp luật kinh doanh quốc tế và từng hành nghề luật, kiểm toán trước khi “định danh” bằng văn chương qua tập truyện ngắn “Chuyến bay tháng ba” (2021). Xem sử liệu như là đối tượng của văn học, truyện ngắn của Lê Khải Việt là một cú ngoái lui về quá khứ gần để sưu tập chứng tích của chiến tranh. Viết về chiến tranh để thấu hiểu, trải nghiệm cảm giác của người trong cuộc hơn là để phản ánh, đánh giá, Lê Khải Việt đã làm lạ một đề tài quen.
Ngoài ba trường hợp kể trên, văn học trẻ hôm nay còn được khẳng định bởi nhiều cây bút tiểu thuyết và truyện ngắn khác như Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Nguyễn Dương Quỳnh, Phạm Thu Hà, Tống Phước Bảo, Nguyệt Chu, Trần Thị Tú Ngọc, Lê Quang Trạng, Phan Đức Lộc... Trong số họ, không phải ai cũng trở thành “hiện tượng” hay tâm điểm của một giai đoạn văn học nào đó. Dẫu vậy, bằng thành quả sáng tạo có đôi khi âm thầm, lặng lẽ, các nhà văn trẻ đã làm đầy thêm cho thành tựu chung của văn học đương đại, xác lập vị trí của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XXI trong tiến trình vận động của văn học dân tộc.
Những lối viết “lạ”
Để tồn tại và xác lập “tên tuổi”, các nhà văn trẻ cần phải “lạ” từ tư duy nghệ thuật, từ lối viết. Nhìn vào diện mạo văn học trẻ, có thể thấy rõ những lối viết “lạ” như thế. Cái mới và lạ của văn học trẻ là ở cách “đánh thức và tái cấu trúc quá khứ”. Nhiều tác giả đã tự mình làm một cuộc chơi mới bằng văn chương trên nền truyền thống. Và, bằng lối viết “lạ”, những con người trẻ tuổi ấy đã tạo nên những chuyển động mới cho văn học Việt Nam đương đại.
Sinh năm 1984 và đã có đến 5 tập truyện ngắn (không kể tản văn và nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi), Nguyễn Thị Kim Hòa là cái tên đã được thừa nhận sau hơn mười năm sáng tác. Tuy vậy, Nguyễn Thị Kim Hòa chỉ thực sự vang danh khi chị cho ra mắt tập truyện ngắn dã sử “Con chim phụng cuối cùng” (2017). Với tập truyện này, Nguyễn Thị Kim Hòa đã có một cuộc chơi lạ khi nhìn lịch sử từ cái nhìn nữ giới và bằng thân phận nữ giới, truy bức đến tận cùng về “quyền” của phụ nữ trước những sóng gió lịch sử, bất kể họ là công nương hay nữ tướng, là phụ nữ Việt hay phụ nữ Chiêm, là con người của lịch sử hay chỉ là nhân vật của văn học lịch sử.
Vừa viết về một lịch sử gần, vừa tạo nên một môi trường “giả lịch sử”, với “Nắng Thổ Tang” (2021), nhà văn Đinh Phương, sinh năm 1989, trở thành một tên tuổi đáng chú ý của văn học trẻ, một trường hợp tiêu biểu của sự lạ hóa trong lối viết, dẫu những tác phẩm trước đó của anh, nhất là tiểu thuyết “Nhụy khúc” (2016), cũng rất đáng được ghi nhận. Đinh Phương đã viết về một “lịch sử khác” trong “Nắng Thổ Tang”, một lịch sử của những khoảng trống, những ảo ảnh hơn là lịch sử của những sự kiện nổi bật hơn cũng diễn ra vào thời gian đó. Đinh Phương đã chọn một lối viết lạ với thủ pháp nhại và hình thức siêu hư cấu (truyện lồng truyện) để phơi bày cuộc ly loạn với đầy rẫy cái xấu, cái ác cùng những kiếp người bấp bênh, trôi dạt... Những chồng lấn thời gian và sự đan bện chằng chịt của các mảnh vỡ trong kết cấu cũng khiến chuyện của hôm nay và hôm qua nhòe mờ.
Có thể nói, với “Nắng Thổ Tang”, Đinh Phương đã làm một “cuộc chơi” lạ trong cách kể về các câu chuyện lịch sử gần. Và độc giả, thay vì tìm cách kiểm chứng mức độ chân thật của các sự kiện, nhân vật lịch sử, đành để những câu chuyện “giả lịch sử” ấy kéo đi, từ đó nhận ra những đắng đót đến tội nghiệp của lịch sử, của phận người.
Một vài lối viết lạ của những Huỳnh Trọng Khang, Nguyễn Khắc Ngân Vy, Lê Khải Việt, Nguyễn Thị Kim Hòa, Nguyễn Hữu Nam hay Đinh Phương hẳn chưa đủ để làm nên thành tựu của văn học trẻ hôm nay. Tuy vậy, nhìn từ những hiện tượng đủ sức tạo nên dư luận, những tác phẩm được biết đến rộng rãi, và nhất là nhìn vào sự nở rộ văn học trẻ trong khoảng 5 năm trở lại đây, có thể hoàn toàn yên tâm về triển vọng của các nhà văn trẻ và đang còn trẻ. Một chặng đường mới của văn học Việt Nam thế kỷ XXI đã được mở ra với thế hệ 8x đang hồi sung sức và thế hệ 9x hăm hở, giàu tiềm năng. Và chừng nào còn mang ý thức “lạ hóa một cuộc chơi”, các nhà văn trẻ sẽ còn tạo được những dấu ấn riêng, mới cho thành tựu văn học sắp tới.