Đạo diễn Trần Hữu Tấn: ''Tôi thuộc về dòng phim kinh dị''
Xã hội - Ngày đăng : 15:47, 09/07/2022
- Thưa đạo diễn Trần Hữu Tấn, được biết doanh thu của bộ phim “Rừng thế mạng” đã thu về hơn 20 tỷ đồng tính đến thời điểm hiện tại. Kết quả thu được từ bộ phim sinh tồn này đã tạo cho anh cơ hội làm những dự án phim tiếp theo?
- Thực ra đây là chiến lược của chúng tôi trong 5 năm, bắt đầu với dự án điện ảnh “Bắc Kim Thang”. Từ đó, sau mỗi năm chúng tôi đều cho ra mắt một bộ phim kinh dị. Đó là “Rừng thế mạng”, “Chuyện ma gần nhà” và sắp tới là “Tết ở làng địa ngục”. “Rừng thế mạng” là một bộ phim khó và sau khi quay xong phim này, chúng tôi có kinh nghiệm xương máu để tiếp tục với những kịch bản khó hơn. Khán giả đã được xem “Chuyện ma gần nhà” - 3 câu chuyện hợp tuyển và sắp tới là “Tết ở làng địa ngục”, một câu chuyện chuyển thể được quay tại Hà Giang. Dự kiến, chúng tôi sẽ bấm máy vào cuối tháng 12 năm nay. Chúng tôi sẽ quay tại làng cổ Thiên Hương, cách Đồng Văn khoảng 6,5km.
- Những "kinh nghiệm xương máu” ấy là gì, thưa anh?
- Chúng tôi rút ra được nhiều điều, trong đó quan trọng nhất là thị hiếu của khán giả Việt về dòng phim kinh dị. Ở phương Tây, phim kinh dị thường tập trung vào những cảnh bạo lực; Hàn Quốc hay Thái Lan lại tập trung vào phần tâm lý. Khán giả Việt Nam thích sự dung hòa của hai yếu tố đó, tức là vừa phải có những chi tiết gần gũi đồng thời cũng phải có những hình ảnh mang tính kinh dị.
- Nghe nói anh từng chia sẻ rằng "nếu không làm phim kinh dị thì sẽ không biết làm gì cả", có đúng không?
- Tôi từng thử sức với phim hài, phim tình cảm, phim hoạt hình. Nhưng những thể loại ấy không phải là sân chơi của tôi. Thế là tôi cất những bộ phim ấy đi, thậm chí là xóa luôn bởi tôi vẫn luôn quan niệm rằng: Những gì chưa thực sự tốt nhất thì tôi sẽ không giới thiệu ra bên ngoài. Sau đó, tôi quyết định bước vào sân chơi kinh dị. Khi còn bé, tôi từng là người quản trò kể chuyện ma cho các bạn cùng lứa. Còn bây giờ, tôi tự tin thử làm một điều gì đó với dòng phim này. Trước khi làm phim dài thì tôi đã làm những bộ phim ngắn, đồng thời học hỏi nhiều hơn về dòng phim kinh dị. Đó là những phim “Người thứ ba”, “Cháu đích tôn” - tiền thân của phim “Bắc Kim Thang”. Sau mỗi bộ phim, tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn và thấy rõ ràng là mình thuộc về thể loại phim kinh dị.
- Anh đã học như thế nào để bước vào dòng phim này?
- Kiến thức ở trường học chỉ mang tính nền tảng, còn kinh nghiệm để làm phim kinh dị thì phải tự học. Tôi có nhiều cách học, ví dụ như xem phim để hiểu hơn về câu chuyện, về ngôn ngữ điện ảnh của bộ phim ấy. Tôi cũng rất thích xem tranh bởi nó giống như những khung hình trong một bộ phim được tĩnh lại để mình có thể quan sát sâu hơn về tính ẩn dụ, bố cục, màu sắc. Tôi quan sát mọi thứ ở bên ngoài để tìm cho mình nhân vật. Tôi tự hào vì mình có kinh nghiệm sống khi đã từng làm phục vụ bàn, shipper. Những nghề đó cho tôi kiến thức và chất liệu điện ảnh.
- Các diễn viên trong phim của anh thường là gương mặt mới hoặc người không quá nổi tiếng. Vì sao vậy, thưa anh?
- Có lẽ tôi là đạo diễn duy nhất ở Việt Nam không tổ chức buổi casting cho diễn viên. Các bạn hay các anh chị diễn viên đã được chọn ngay từ khâu viết kịch bản. Tức là trong quá trình viết kịch bản thì chúng tôi đã “nhắm” trước diễn viên để có thể bám theo dáng dấp ấy, ngoại hình ấy khi xây dựng nhân vật của mình. Không phải vì tôi không thích làm việc với “ngôi sao” đâu. Thực sự là tôi thích khám phá những gương mặt mới bởi với phim kinh dị thì câu chuyện mới là yếu tố quyết định; khán giả chỉ chú tâm vào câu chuyện, thủ pháp và đặc biệt là thông điệp mà bộ phim ấy mang lại.
- Làm phim kinh dị cũng có những rào cản nhất định?
- Rào cản thứ nhất đó là kiểm duyệt và thứ hai là có những khán giả chưa sẵn sàng để xem những cảnh kinh dị. Tôi phải tìm ra một thang điểm chấp nhận được với khán giả đại chúng ở Việt Nam. Đó không phải việc dễ dàng nhưng tôi tin rằng, nếu mình cố gắng thì vẫn có cách sáng tạo trong điều kiện kinh phí của mình để thỏa mãn nhu cầu của khán giả.
- Có vẻ anh và ê kíp rất thích những nơi “thâm sơn cùng cốc”. Điều gì đã đưa anh đến với Tà Năng - Phan Dũng (Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận) và sau này là Đồng Văn (Hà Giang)?
- Mặc dù điện ảnh là kể một câu chuyện cho khán giả nhưng chúng tôi cũng muốn đưa nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam lên màn ảnh. “Rừng thế mạng” không chỉ là một câu chuyện sinh tồn, về tình bạn mà còn giới thiệu vẻ đẹp của Tà Năng - Phan Dũng. “Chuyện ma gần nhà” kể về những “truyền thuyết đô thị” nhưng cũng giới thiệu hình ảnh về những chung cư cũ, những ngóc ngách bí ẩn ở Sài Gòn với một vẻ đẹp hoài cổ. Còn với “Tết ở làng địa ngục”, bên cạnh câu chuyện dân gian về ma quỷ là hình ảnh về đất và người Hà Giang...
- Trân trọng cảm ơn anh!