Về nơi mây trắng ngàn năm

Sách - Ngày đăng : 19:03, 09/07/2022

(HNMCT) - “Gọi nắng” là tập thơ thứ 6, cũng là tập thơ mới nhất của Dương Văn Lượng, sau “Khoảng lặng”, “Miền ký ức”, “Hoa sóng”, “Tự thức”, “Qua miền tối sáng” từ năm 2017 đến nay, cho thấy sức viết đáng nể của nhà thơ. Đấy là về mặt số lượng, còn về mặt chất lượng thì sao? Ở tuổi 66 - 67, mới in tập thơ đầu. Ở tuổi 71 - 72, cho in tập thơ thứ 6. Dương Văn Lượng đã góp phần khẳng định: Đến với thơ không bao giờ chậm và không bao giờ muộn cả.

“Gọi nắng” có nhiều bài thơ nói về thơ và những gì liên quan đến thơ, thật thấu tình, như trong “Lối”, “Tự biết”, “Vịn”, “Trả lời bạn thơ”, “Viết cho người khác”, “Thi nhân”. Dương Văn Lượng quan niệm: Thơ phải tự “tìm lối đi”, phải “đánh thức bản năng người”, “trước linh thiêng ngôi đền thi ca/ thần sáng tạo gọi tên bình đẳng”, tác giả phải “né sang bên/ để người đọc đi tiếp”, và thơ viết không phải chỉ để cho người viết, cho một người: “Có biết đâu khi tôi viết cho tôi/ Cũng là lúc tôi viết cho người khác”. Một khi đã làm thơ, đã hết lòng với nghiệp thơ thì cũng chẳng khác nào “Thân đã tằm sao thoát vương tơ”. Như vậy, thơ phải làm gì, nhà thơ phải làm gì, và nhà thơ là ai, thiên chức của nhà thơ là gì... đã được Dương Văn Lượng trả lời rất cô đọng, tối giản trong thơ.

Vẫn tiếp tục cái mạch ấy, “Về phía nỗi đau” là một tứ thơ hay. Sau xuất phát của những gì mang giá trị thực chứng, tứ thơ được khái quát, dồn nén lại ở 4 câu: “Những dòng người bỏ quê lên phố/ Giấc đổi đời trằn trọc đêm đêm/ Sấp ngửa chợ người bạc mặt mưa nắng/ Kiếp nửa làng nửa phố bấp bênh” và kết ở hai câu thật đắt: “Câu thơ tôi vương mùi trần tục/ Lặng về phía nỗi đau không tên”. Chỉ là người đau đáu về kiếp người, đau đáu trước thời cuộc có nhiều biến động, thay đổi, mới sở hữu được những câu thơ như vậy! Đó là những câu thơ ngỡ như giản dị mà lại khó làm. “Lặng về phía nỗi đau không tên” hay hướng “về phía nỗi đau không tên”, cũng chính là cách nói, cách nghĩ thật nhân bản.

“Rêu” cũng là một tứ thơ nổi bật, đầy hàm ý, cũng rất đời sống, đọc lên không dễ quên: “Thế thái nhân tình đổi thay chóng mặt/ Lòng người khúc khuất đa chiều/ Chợ trời trắng đen sấp ngửa/ Ta bỗng thành hòn đá/ Lăn phía nào cũng rêu...”.

Nỗi đau đáu về kiếp người, đau đáu trước thời cuộc có nhiều biến động, thay đổi còn được nối dài ở hai câu trong “Những hàng bia tiến sĩ”: “Ai hay buổi kim tiền sấp ngửa/ Bia đá ông nghè cũng mặt chau”. Rồi nhờ “Soi trong gương rạn/ Thấy đời hiện sinh” (“Hiện sinh”), rồi bởi “Phần mờ phần tỏ/ Phần cũng tại góc nhìn” (“Đón cháu”) cộng với chứng kiến lẫn trải nghiệm cá nhân mà Dương Văn Lượng nhận ra một cách sâu sắc, gẫy gọn và sáng tỏ: “Mỗi bước nhân loại lên bậc thang văn minh/ Không tẩy hết vết bùn đạo đức”.

Bên cạnh những câu thơ khúc chiết với nhiều ngẫm ngợi, gợi mở, ta còn bắt gặp ở Dương Văn Lượng một phẩm chất thi sĩ, qua cái nhìn say cháy của một thi nhân. Có lẽ ít có người nhìn ra được vẻ đẹp vốn rất bình dị mà sống động, lại rất nên thơ ở một bản làng của một tỉnh miền núi như Dương Văn Lượng. Chỉ nhìn “Em gái bản/ Rải tóc mình ra phơi” mà Dương Văn Lượng cảm và thấy: “Suối đột nhiên ngừng chảy/ Mây đột nhiên ngừng trôi/ Đàn bướm thôi bay lượn/ Hoa cúi mặt không cười/ Con chim rừng quên hót/ Lá bên rừng kém tươi...”. Rồi trong một chuyến tàu đêm thôi, ôm bó hoa tặng trong tay, Dương Văn Lượng thấy nhớ người tặng hoa và trong lòng ông bật ra câu hỏi: “Nhìn hoa/ hoa vẫn còn tươi/ Còi đêm/ tàu chạy nhớ người tặng hoa/ Cuộc đời là mấy sân ga/ niềm riêng một khúc biết là về đâu/ Tình như nước quyện chân cầu...”. Hay khi “Trở lại Tràng An”, ông ngẫm ngợi: “Giữa mênh mông sông núi đất trời/ Ta muốn hỏi vô cùng vô tận/ Ta là ai/ Ta từ đâu đến/ Ta về đâu trong cõi vô thường?".

Nêu thế để thấy những câu hỏi trên, tuy là những câu hỏi muôn thuở nhưng vẫn còn nguyên giá trị, vẫn mới, nếu như con người vẫn muốn đi tìm ý nghĩa đích thực của đời sống và đích thực lẽ làm người.

Đặng Huy Giang