Tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng
Chính trị - Ngày đăng : 06:50, 09/07/2022
Những cống hiến to lớn
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912 trong một gia đình có truyền thống khoa bảng ở làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, nay là phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1927, đồng chí tham gia tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên; năm 1928, tham gia các phong trào vận động quần chúng đứng lên đấu tranh chống sự áp bức bóc lột của đế quốc và bè lũ tay sai.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), đồng chí được cử là Bí thư đặc khu Hòn Gai - Uông Bí. Tháng 2-1931, trên đường đi công tác từ Cẩm Phả về Hòn Gai, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, đưa về giam ở Nhà tù Hỏa Lò; bị kết án tù khổ sai và đày đi Côn Đảo. Năm 1936, trước áp lực của các cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và phong trào Mặt trận nhân dân Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và một số tù chính trị Côn Đảo được trả tự do. Đồng chí về Hà Nội, bắt liên lạc với tổ chức Đảng, lập ra Ủy ban sáng kiến, có vai trò như Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ.
Tháng 3-1938, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Tháng 11-1939, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 6 tại Bà Điểm (Gia Định), quyết định việc thay đổi chiến lược cách mạng và thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương.
Giữa lúc phong trào cách mạng bước vào thời kỳ mới, ngày 18-1-1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt tại Sài Gòn. Ngày 23-11-1940, sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, thực dân Pháp khép đồng chí Nguyễn Văn Cừ vào tội đã thảo ra “Nghị quyết thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương”, “chủ trương bạo động”, là người có trách nhiệm tinh thần trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ và kết án tử hình. Ngày 28-8-1941, đồng chí đã anh dũng hy sinh.
Với 29 tuổi đời, hơn 13 năm tham gia cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Người cộng sản mẫu mực
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và nhân dân ta. Toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản. Trước hết, phẩm chất cao quý ấy thể hiện ở tinh thần say sưa học tập, rèn luyện và vươn lên không ngừng. Từ lúc bắt đầu hoạt động cách mạng cho đến khi bị giặc Pháp xử bắn, dù chưa được học ở trường lớp lý luận nào nhưng bằng niềm tin, nghị lực, đồng chí đã trang bị cho mình những hiểu biết sâu rộng về khoa học chính trị và trở thành lãnh tụ cao nhất của Đảng.
Không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, thông qua thực tiễn đấu tranh để rèn luyện, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực tế phong phú với lý luận khoa học, giải quyết đúng đắn yêu cầu của cách mạng đề ra, nhất là trong những hoàn cảnh khẩn trương, phức tạp. Trong cuộc vận động dân chủ 1936-1939, Đảng ta gặp nhiều trở lực, khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đoàn kết, tạo nên một cao trào cách mạng sôi nổi với hàng triệu quần chúng tham gia; đặt tiền đề cho cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới - cao trào vận động giải phóng dân tộc. Thành công đó có cống hiến to lớn về trí tuệ, tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.
Không chỉ là tấm gương sáng về tinh thần tự học tập, rèn luyện trong thực tiễn, đồng chí còn là hình ảnh tiêu biểu của người cán bộ cách mạng liên hệ, gắn bó máu thịt với quần chúng. Bất kỳ ở đâu, sống giữa những người phu mỏ, hay bà con nông dân vùng miệt vườn Nam Bộ, khi đi “vô sản hóa”, khi mới là đảng viên, hay lúc đã giữ cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Cừ luôn gương mẫu trong cuộc sống. Đồng chí cũng luôn nêu cao tinh thần bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, phát huy tự phê bình và phê bình để xây dựng Đảng vững mạnh, giữ vững vai trò tiên phong của Đảng, làm cho Đảng thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động.
Tuy tuổi đời, sự nghiệp không dài nhưng đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã để lại cho Đảng và dân tộc ta một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí là dịp để chúng ta học tập tấm gương người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, luôn có niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cách mạng cao đẹp, yêu thương, gần gũi, hòa mình với giai cấp công nhân và nhân dân lao động; không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, nỗ lực học tập, rèn luyện, nêu cao tinh thần bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, phát huy vai trò tiên phong của Đảng.