Vì một Thủ đô phát triển bền vững

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:43, 11/07/2022

(HNM) - Tại kỳ họp thứ bảy, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI (diễn ra từ ngày 6 đến 8-7), Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã thông tin, khu đất số 148 Giảng Võ (quận Ba Đình), trước đây là Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, sẽ được chuyển đổi thành trung tâm dịch vụ, thương mại, văn hóa.

Vấn đề này nhận được sự quan tâm của đại biểu HĐND thành phố Hà Nội và dư luận nhân dân là bởi trước đó, thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư khoảng 10 tòa nhà chung cư cao 50 tầng tại đây, khiến dư luận lo ngại làm quá tải hạ tầng. Tiếp thu chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến của các bộ, ngành và dư luận, năm 2019, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định thu hồi dự án. Hiện, quy hoạch chi tiết 1/500 khu đất 148 Giảng Võ đang được nghiên cứu điều chỉnh tổng thể, đưa về đúng chức năng trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa, hài hòa với việc cải tạo khu tập thể Giảng Võ, cảnh quan hồ Giảng Võ, từ đó điều chỉnh lại quy mô phục vụ hoạt động công cộng. Dự kiến, năm 2023, dự án được triển khai.

Trong quá trình phát triển, việc di dời các cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo, trụ sở cơ quan… ra khỏi nội đô là chủ trương đúng, nhưng vấn đề được quan tâm hơn cả là những khu đất sau khi di dời được sử dụng như thế nào? Thực tế, không ít cơ sở sản xuất đã biến thành những khu chung cư cao tầng với quy mô dân số lớn. Thay vì giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường thì hạ tầng kỹ thuật, xã hội phải đối mặt với sự quá tải và ùn tắc giao thông. Người dân mong muốn có thêm đất dành cho hoạt động công cộng, văn hóa, giáo dục, cây xanh, nhưng không ít bộ, ngành đã vẫn giữ trụ sở cũ dù đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới.

Cũng tại kỳ họp lần này, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch (đợt 1). Trong đó có cả những khu đất “vàng”, diện tích lớn. Đối chiếu với quy hoạch phân khu đô thị đã được phê duyệt, hầu hết những khu đất này sẽ chuyển đổi sử dụng cho mục đích công cộng, trường học, cây xanh, hạ tầng… Do đó, điều quan trọng nhất là bảo đảm tuân thủ nội dung quy hoạch, không chấp nhận điều chỉnh quy hoạch bừa bãi, thiếu căn cứ, biến “đất vàng” thành cao ốc. Cùng với đó, các cơ chế di dời cũng cần rõ ràng, mà trước hết là quy định bắt buộc bàn giao lại quỹ đất cho thành phố sử dụng theo quy hoạch và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng cơ sở sản xuất mới.

Việc tiếp nhận quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất, trụ sở cơ quan, cơ sở đào tạo… và sử dụng vào mục đích gì, cũng phải được công khai, minh bạch. Các bước lập quy hoạch chi tiết 1/500 (cụ thể hóa quy hoạch phân khu) phải tuân thủ quy trình, quy định, đặc biệt là việc lấy ý kiến của người dân trong khu vực. Từ đó, người dân và giới chuyên môn có thể phản biện, giám sát, bảo đảm khu đất sử dụng hiệu quả.

Thực tế, quá trình di dời cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo, trụ sở cơ quan… khỏi nội đô không đơn giản, có thể phát sinh nhiều vấn đề, đòi hỏi phải có sự đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến giải pháp cụ thể trong thực thi. Từ câu chuyện khu đất số 148 Giảng Võ, rõ ràng, ứng xử với quỹ đất sau di dời nhất thiết phải bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa thành phố, đơn vị bàn giao và cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu trên hết vẫn phải vì một Thủ đô phát triển bền vững, văn minh, hiện đại; vì đời sống của nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn.

Gia Khánh