Ứng xử với cầu Long Biên: Chuyện dài chờ… hồi kết
Đời sống - Ngày đăng : 06:27, 11/07/2022
Cơ hội đẩy nhanh việc “hồi sinh” cầu Long Biên
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng được người Pháp xây dựng từ năm 1889, hoàn thành vào năm 1902 với chiều dài gần 1.700m, gồm 19 nhịp dầm thép. Trong chiến tranh chống Mỹ, cầu bị đánh bom nhiều lần, mất 9/19 trụ chính, 9 trụ khác bị hỏng nặng. Hiện, cầu đang được khai thác hỗn hợp: Giữa cầu dành cho đường sắt, hai bên cầu dành cho xe máy, xe đạp, người đi bộ.
Trải qua 120 năm, cầu đã có nhiều biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng. Gần đây nhất, trong tháng 5-2022, đã xảy ra 2 vụ sập tấm đan trên cầu, tạo lỗ thủng lớn, uy hiếp an toàn giao thông, khiến dư luận một lần nữa lên tiếng cảnh báo. Đã đến lúc cần có phương án giải quyết tổng thể, thay vì duy tu nhỏ giọt, hỏng đâu sửa đó như hiện nay.
Một tin vui là ngày 27-6-2022, UBND thành phố Hà Nội quyết định thành lập Tổ chuyên gia triển khai dự án “Hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên” do Chính phủ Pháp tài trợ, báo cáo UBND thành phố thực hiện các thủ tục tiếp nhận, triển khai dự án theo quy định.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội nhận định, đây là động thái tích cực của thành phố Hà Nội. “Nhiều chuyên gia được tham vấn đều thống nhất là phục dựng nguyên trạng cầu Long Biên, gia cường kết cấu móng trụ để khai thác bền lâu. Bởi chỉ khi được vận hành, khai thác, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, việc bảo tồn cầu Long Biên mới bảo đảm được tính bền vững”, kiến trúc sư Trần Huy Ánh nêu.
Cũng theo ông Trần Huy Ánh, thế giới từng chứng kiến Nhà thờ Đức Bà (Paris - Pháp) cháy rụi và ngay lập tức, nước Pháp có phương án cải tạo và phục dựng nguyên trạng. Cầu Long Biên cũng có thể ứng dụng công nghệ tiên tiến để đo vẽ hiện trạng, đưa vào mô hình số, dùng các phần mềm tính toán, có hỗ trợ trí tuệ nhân tạo - AI để dự báo rủi ro và lựa chọn giải pháp ưu tiên gia cố, tăng cường hay thay thế các cấu kiện sắt thép lẫn nền móng.
Chờ giải pháp mang tính tổng thể
Cùng đồng tình với quyết định thành lập Tổ chuyên gia triển khai dự án “Hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên”, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, chuyên gia kiến trúc đô thị lưu ý đến một số vấn đề cần quan tâm. Trước tiên, Hà Nội phải khẳng định cầu Long Biên là di sản đô thị của thành phố cũng như sớm hoàn thành các thủ tục để cầu được công nhận là di sản cấp quốc gia. Hiện, cầu Long Biên chưa nằm trong danh mục di sản nhưng đối với lịch sử và người dân Thủ đô, cây cầu này là một di sản đô thị, gắn với sự phát triển của Thủ đô.
“Về lâu dài, cầu Long Biên sẽ không còn chức năng giao thông đường sắt sau khi tuyến đường sắt quốc gia được điều chỉnh. Vì vậy, cải tạo cầu Long Biên có thể theo phương án tháo dời, sau đó nâng cao độ thông thuyền nhưng phải đáp ứng tiêu chí khoa học công nghệ cho phép, hoặc có thể trả lại nguyên trạng ban đầu, giữ lại đoạn ga để làm du lịch và phát triển hai làn cầu dành cho xe đạp, xe máy, đi bộ”, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nêu.
Theo ông Phạm Thanh Tùng, với phương án trên, cầu Long Biên sẽ tham gia vào phát triển du lịch Thủ đô, cũng có thể trở thành một tuyến đi bộ khi được kết nối với tuyến phố đi bộ khác của nội đô vào ngày cuối tuần. Quá trình nghiên cứu, cải tạo cầu nên gắn kết cùng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vừa được phê duyệt, qua đó tạo không gian văn hóa, du lịch, cảnh quan.
Đồng tình với quan điểm này, Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Trần Đăng Hải cho rằng, ngay cả khi hoàn thành xong tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên hay làm xong các cầu mới bắc qua sông Hồng, thì cầu Long Biên vẫn có ý nghĩa quan trọng, vừa phục vụ người dân hai bên đầu cầu, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của du khách.
Những ngày này, đơn vị quản lý cầu đã lắp dải phân luồng để tránh ùn tắc cục bộ, ngăn phương tiện tải nặng đi lên cầu, cùng với các biển cảnh báo... Tuy nhiên, đó chỉ là những việc làm mang tính khẩn cấp trước mắt. Về lâu dài, cầu Long Biên, cây cầu 120 tuổi, vẫn đang chờ được quyết định “số phận” của mình bằng giải pháp mang tính tổng thể, từ việc nghiên cứu kỹ lưỡng, nhằm vừa phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, vừa bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần vào sự phát triển của Thủ đô.