Ý tưởng mới tạo cơ hội mới
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:03, 12/07/2022
Tại Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” tổ chức vào chiều 8-7, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long đã đề xuất thành phố nghiên cứu lựa chọn một địa điểm tại khu vực trung tâm để các huyện có làng nghề thủ công mỹ nghệ kết hợp với quận Hoàn Kiếm giới thiệu và trình diễn sản phẩm, qua đó quảng bá tới du khách.
Đề xuất này của quận Hoàn Kiếm là hoàn toàn có cơ sở. Thực tế cho thấy, việc khai mở các mô hình giới thiệu, trình diễn nghề thủ công, mỹ nghệ đã mang tới không ít cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp, nghệ nhân các làng nghề…; mặt khác hình thành những sản phẩm giàu chất sáng tạo cho công nghiệp văn hóa; góp phần thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói”… Mô hình bảo tàng trưng bày giới thiệu tranh thêu XQ - Đà Lạt hay mô hình trình diễn sản phẩm làng lụa Hội An… là những ví dụ điển hình. Tại Hà Nội, Bảo tàng gốm Bát Tràng cũng đang trở thành “điểm đến” mới trên bản đồ du lịch Thủ đô…
Tuy nhiên, những mô hình như doanh nghiệp đầu tư xây dựng bảo tàng, trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ để thu hút khách du lịch hiện nay chưa nhiều; chưa tương xứng với quy mô làng nghề và thường chỉ giới hạn về một nghề hoặc một vùng đất có nghề truyền thống… Do vậy, chưa tạo được sự liên kết giữa các nghề thủ công mỹ nghệ trong vai trò là một sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch…
Sáng kiến của quận Hoàn Kiếm về việc hình thành một trung tâm giới thiệu và trình diễn các sản phẩm làng nghề tại khu vực trung tâm thành phố là phù hợp với đòi hỏi từ thực tế phát triển, đặc biệt với “đất văn hiến”, “đất trăm nghề” trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Thời gian tới, cùng với việc thúc đẩy các dự án xây dựng địa điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở các địa phương gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa làng nghề..., các ngành hữu quan cần nghiên cứu đề xuất của quận Hoàn Kiếm, tham mưu cho thành phố xây dựng một đề án cụ thể với các giải pháp mang tính khả thi.
Với sự vào cuộc có trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp, nghệ nhân làng nghề, hy vọng trong tương lai không xa, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm sẽ có một trung tâm văn hóa vừa kế thừa giá trị truyền thống, vừa thích ứng với xu thế thời đại - là nơi lưu giữ, giới thiệu, quảng bá tinh hoa làng nghề truyền thống, tôn vinh nghề thủ công mỹ nghệ, đồng thời là nơi giao lưu văn hóa, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, thúc đẩy các hoạt động du lịch, dịch vụ làng nghề.
Nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới đã có hiệu lực, ngành “công nghiệp không khói” đang hồi phục…, do đó ý tưởng mới sẽ tạo ra cơ hội “vàng” mở ra hướng phát triển mới cho thủ công mỹ nghệ Hà Nội. Vấn đề lúc này là sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, nghệ nhân làng nghề, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và các địa phương.