Thành phố Hồ Chí Minh cần giữ vai trò lớn hơn trong vùng Đông Nam Bộ
Kinh tế - Ngày đăng : 13:57, 12/07/2022
Sáng nay (12-7), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị Triển khai đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29-8-2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 của thành phố Hồ Chí Minh.
Vai trò trụ cột của thành phố Hồ Chí Minh
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, giai đoạn 2016-2020, thành phố Hồ Chí Minh đóng góp cao nhất vào tốc độ tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thành phố đóng góp 3,48 điểm phần trăm, các địa phương còn lại đóng góp 2,03 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng 5,51% của cả vùng Đông Nam Bộ.
Nếu xét trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, riêng thành phố Hồ Chí Minh đóng góp 3,24 điểm phần trăm, các địa phương còn lại đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng 5,65% của vùng.
Thành phố Hồ Chí Minh có sức hút và sức lan tỏa lớn đối với nguồn vốn đầu tư vào thành phố và đầu tư của thành phố ra vùng Đông Nam Bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đến năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh là một trong các địa phương đứng đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn đầu tư trong nước. Các doanh nghiệp thành phố đã đẩy mạnh đầu tư ra các tỉnh trong vùng, góp phần quan trọng vào sự phát triển của vùng và các địa phương trong cả nước.
Một trong những thách thức hiện nay là sự chênh lệch lớn về quy mô kinh tế giữa các địa phương trong vùng. Thành phố Hồ Chí Minh chiếm trên 50% GRDP của vùng, các địa phương còn lại chiếm tỷ trọng thấp. Chính vì vậy, sự tăng trưởng chậm lại của thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua do tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của cả vùng.
Qua đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị mở rộng việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương trong một số lĩnh vực quản lý đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường và ngân sách; nhanh chóng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thiện hệ thống pháp lý đủ mạnh về vùng; ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư phát triển vùng.
Cần cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội hơn
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29-8-2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, cần xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cao hơn mục tiêu của cả nước, để tạo “lực kéo” đủ mạnh, trong đó thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Về cơ chế, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn, rõ ràng hơn cho các địa phương trong vùng; thành lập lại Hội đồng vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Hội đồng vùng) với nhiệm vụ cụ thể hơn, xác định và điều phối các dự án phát triển trọng điểm và giám sát tiến độ thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Hội đồng vùng cũng giữ vai trò điều phối nhiệm vụ chung, nhiệm vụ của từng địa phương trong vùng cũng như tạo sự liên kết bền chặt giữa các địa phương trong vùng.
Đối với thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết, thành phố rất cần cơ chế, chính sách đặc thù mạnh hơn để huy động tối đa các nguồn lực trong đầu tư phát triển. Hiện thành phố đã hoàn thiện đề án xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế để trình cấp có thẩm quyền, tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần đánh giá lại để nhận diện đâu là điểm nghẽn, nút thắt, vướng mắc cần tháo gỡ; đâu là tiềm năng, cơ hội, lợi thế để hoạch định chiến lược phát triển đúng đắn cho toàn vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong giai đoạn mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, toàn vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần có cơ chế, chính sách mới đặc thù hơn, vượt trội hơn mới đáp ứng được vai trò và yêu cầu phát triển. Trong vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm, là cực tăng trưởng rất quan trọng. Tăng trưởng kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh quyết định tăng trưởng của cả vùng.
Trong thời gian tới, trước thách thức lẫn cơ hội, thành phố Hồ Chí Minh cần có định hướng mới, tầm nhìn mới tương xứng với vai trò lớn hơn trong vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để dẫn dắt tăng trưởng cả vùng. Với vai trò trung tâm, thành phố Hồ Chí Minh cần đi trước, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù trước, để đúc kết kinh nghiệm, định hình mô hình, sau đó nhân rộng ra toàn vùng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bộ sẽ tổng hợp các ý kiến tại hội nghị để đưa vào dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 53-NQ/TW của Bộ Chính trị, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22-7 tới.