Số hóa giúp các doanh nghiệp bảo hiểm kiện toàn bộ máy hoạt động kinh doanh
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 15:43, 13/07/2022
Ứng dụng số hóa: Tưởng “khó” hóa “dễ”
Bảo hiểm trong suy nghĩ của nhiều người là việc tư vấn viên gặp gỡ trực tiếp khách hàng hay phải lặn lội tới các điểm giao dịch. Tới nay, nhiều giao dịch như tư vấn, quản lý hợp đồng, chi trả quyền lợi bảo hiểm… đều hoàn toàn có thể giải quyết từ xa với sự hỗ trợ của mạng internet và điện thoại thông minh.
“Nếu không bắt kịp sự thay đổi, chúng ta sẽ tụt hậu”, anh Khuất Thành Dũng - người có 23 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm chia sẻ. Nhờ số hóa, giai đoạn dịch, anh và các cộng sự vẫn họp hành, làm việc bình thường dù phải mất thời gian đầu làm quen.
"Có số hóa, công việc kinh doanh không bị đình trệ. Tuy nhiên, để công nghệ thực sự giúp ích cho người mua bảo hiểm, người tư vấn cần chủ động hướng dẫn các tiện ích và tạo thói quen sử dụng cho khách hàng", anh Dũng nói.
Theo anh Dũng, việc áp dụng công nghệ giúp anh hỗ trợ dịch vụ sau bán hàng cho khách "cực kỳ nhanh". "Đó là điều vô cùng tốt", anh Dũng hào hứng.
“Chẳng hạn như việc phát hành hợp đồng và yêu cầu thanh toán quyền lợi bảo hiểm vốn được xem là phức tạp thì nay có thể thực hiện từ xa, trong vòng 5-7 phút, nếu không có công nghệ thì đó là điều không tưởng”, anh Dũng nhấn mạnh.
Cách làm bảo hiểm truyền thống và sự hiện diện của các điểm giao dịch không còn là lựa chọn duy nhất khi các dịch vụ trực tuyến đã đáp ứng yếu tố nhanh chóng, thuận tiện.
Sở hữu 3 hợp đồng bảo hiểm, chị Nguyễn Phương Dung (48 tuổi, Hà Nội) hài lòng với việc có thể yêu cầu thanh toán quyền lợi bảo hiểm và nộp phí qua kênh online. "Rất nhanh! Trước đây nộp yêu cầu có khi phải đợi cả tuần đến mười mấy ngày mới hoàn tất, xác nhận. Bây giờ, hôm trước hôm sau đã xong hết", chị Dung cho biết.
Cũng theo chị Dung, trong một số trường hợp, kênh số hóa có ưu thế hơn nhờ quy trình rõ ràng, đơn giản. Chị Dung lấy ví dụ, việc gửi yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm cần nhất là được hướng dẫn thủ tục, giấy tờ yêu cầu thế nào, trình tự các bước ra sao. Các kênh online đã làm được điều này. Vì thế, lâu nay chị đã không còn cần chờ tư vấn viên hay đi tới các văn phòng mà tự mình thao tác trên ứng dụng.
Chuyển đổi số nằm trong chiến lược của nhiều hãng bảo hiểm, Tổng Giám đốc Prudential Việt Nam Phương Tiến Minh khẳng định, đổi mới là chiến lược dài hạn, có ý nghĩa với khách hàng, đối tác và nhân viên. Tham vọng của hãng là hiểu khách hàng, từ đó đưa ra những sản phẩm, dịch vụ linh hoạt, đơn giản cho mọi đối tượng.
Kiện toàn hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ nhờ số hóa
“Sau dịch là thời điểm tốt để cơ cấu hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ là điều nên làm và phải làm với ngành bảo hiểm”, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhận định.
Theo ông Dũng, các doanh nghiệp bảo hiểm cần xác định 2 ưu tiên số hóa: Một là quy trình quản trị doanh nghiệp để nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả hoạt động; hai là ứng dụng công nghệ để cải thiện mọi khâu trong chuỗi giá trị bảo hiểm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần trang bị các công cụ để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ tư vấn bảo hiểm.
“Chuẩn hóa lực lượng tư vấn viên, thậm chí bỏ văn phòng tổng đại lý ở chỗ này, chỗ kia không phải vấn đề nếu doanh nghiệp có những phương án thay thế phù hợp, nhằm kiện toàn bộ máy hoạt động kinh doanh”, ông Dũng nhấn mạnh.
Tận dụng ưu thế số hóa, anh Khuất Thành Dũng khẳng định, ngay cả khi dịch bệnh đi qua, anh và các cộng sự sẽ tiếp tục sử dụng công nghệ số. "Tôi cho rằng đôi ba năm nữa, xu hướng số hóa sẽ hoàn toàn chiếm lĩnh. Nếu chủ động hơn, chúng ta sẽ là người đi trước", anh Dũng quả quyết.