Hành trình của thử nghiệm và khát vọng
Giải trí - Ngày đăng : 07:05, 14/07/2022
Nhật ký những ngày làm phim
Những người yêu thích phim hoạt hình vừa đón nhận niềm vui khi bộ phim hoạt hình ngắn “U Linh Tích Ký: Bột thần kỳ” do các bạn trẻ Việt Nam sản xuất đã được trình chiếu trong 2 liên hoan phim hoạt hình danh tiếng là The International Animation Film Festival Stuttgart (ITFS) lần thứ 29 và Seattle International Film Festival (SIFF) lần thứ 48. Mặc dù mới là một tập phim ý tưởng (Proof of Concept) nhằm giới thiệu với khán giả về bối cảnh, nhân vật... mà đội ngũ sẽ ứng dụng cho các dự án phim hoạt hình tiếp theo, song bộ phim đã cho thấy nỗ lực rất lớn của ê kíp sản xuất, nhất là khát khao thực hiện một bộ phim hoạt hình đúng “chất” Việt, đạt trình độ kỹ thuật cao và hấp dẫn.
Trên trang web giới thiệu dự án, từng bước đi, cảm xúc của các thành viên Sun Wolf Animation Studio được ghi lại, cung cấp cho công chúng cái nhìn về hành trình làm phim. Bộ phim được sản xuất theo phương pháp vẽ tay, còn gọi là hoạt hình truyền thống. Một phút phim cần tối thiểu 720 hình vẽ. Tuy nhiên, đều là những người mới trong lĩnh vực phim hoạt hình nên ê kíp đã rất vất vả, những bức vẽ đầu tiên ngây ngô phải sửa đi sửa lại cho đến khi định hình được nhân vật, bối cảnh...
Một thành viên trong nhóm chia sẻ: "Dự án bắt đầu vào tháng 4-2018, mất khoảng 3 năm thì mới xong. Ban đầu chỉ có 5 hay 6 người gì đó. 4 tháng đầu tiên chúng tôi như đi vào ngõ cụt... Khi chúng tôi đã rõ mình phải làm gì thì đội ngũ càng lúc càng đông, 7 người, 8 người rồi 15 người loay hoay trên bảng vẽ, cặm cụi làm phim mỗi ngày. Cái hay của việc tự làm là bạn được tự quyết định mọi thứ. Ngoài chuyện “lỡ hết tiền làm phim” thì không có gì khác phải lo sợ cả".
Những ngày làm phim của ê kíp này phần nào phản ánh nỗi trăn trở, sự vất vả mà người làm hoạt hình Việt Nam hiện nay đang trải qua. Đó là việc thiếu kinh nghiệm, phải tự mày mò trong mọi khâu, thiếu kinh phí và có rất nhiều mối lo không tên khác.
Nỗ lực cho một giấc mơ
Việc ra mắt của “U Linh Tích Ký” khiến cộng đồng yêu phim hoạt hình xôn xao, nhưng đó mới chỉ là phim ý tưởng. Sau hơn nửa thế kỷ kể từ bộ phim hoạt hình Việt đầu tiên ra mắt vào năm 1959, việc có một phim hoạt hình dài “chuẩn Việt” có thể ra rạp như cách mà các hãng phim nước ngoài từ Disney, Pixar, Dreamworks hay Illumination... đã và đang làm vẫn chỉ là ước mơ. Song, điều quan trọng là những nhà làm phim Việt Nam vẫn luôn nỗ lực để hiện thực hóa ước mơ đó.
Năm 2005, khi phim hoạt hình 3D đang là hiện tượng mới mẻ của thế giới, đạo diễn, NSND Hà Bắc đã thực hiện bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên của Việt Nam mang tên “Giấc mơ của ếch xanh” (do Hãng phim Giải phóng phối hợp với Viện Phim Việt Nam sản xuất). Bộ phim chỉ dài hơn 10 phút nhưng ê kíp phải mất tới hơn 12 tháng mới hoàn thành.
Năm 2010, phim 3D “Người con của rồng”, do đạo diễn Phạm Minh Trí thực hiện, ra rạp nhân dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cho đến nay, đây vẫn là phim hoạt hình dài 90 phút hiếm hoi của nước ta được chiếu rạp đúng nghĩa.
Cuối năm 2018, Hãng phim hoạt hình VinTaTa (thuộc Tập đoàn Vingroup) công chiếu series phim hoạt hình “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” trên kênh YouTube. Sự kiện này mở ra rất nhiều hy vọng vào tương lai của hoạt hình Việt khi bộ phim được một tập đoàn lớn rót vốn đầu tư cùng cách làm bài bản, ê kíp tiềm năng. Thậm chí, hãng này còn thể hiện tham vọng “tạo ra những bộ phim hoạt hình Việt có công nghệ hiện đại ngang tầm thế giới”. Thế nhưng, cuối cùng thì bộ phim này không thu được thành công như mong đợi.
Dịp hè 2021, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đã chọn lọc hơn 50 phim trong kho phim gồm hơn 500 phim của mình để phát trên ứng dụng xem phim trực tuyến VTVgo. Những bộ phim hoạt hình với nhiều đề tài hay, hình ảnh đẹp, sinh động khiến người xem ngạc nhiên vì độ đa dạng và triển vọng của hoạt hình Việt Nam hiện tại. Hiện nay, hãng vẫn là đơn vị mạnh nhất về làm phim hoạt hình với nhiều tác phẩm có chất lượng. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận khán giả của những bộ phim này chưa cao. Hiện mới chỉ có những phim ngắn, chủ yếu hướng đến đối tượng thiếu nhi, mang tính giáo dục cao được chiếu trên truyền hình qua các chương trình như "Quà tặng cuộc sống", "Khoảnh khắc kỳ diệu"...
Cùng với đó là khá nhiều dự án phim hoạt hình do các đơn vị tư nhân, nhóm bạn trẻ đam mê thực hiện được ra mắt thường xuyên trên YouTube. Ba năm qua, nhóm Đuốc Mồi đã cho ra mắt nhiều phim hoạt hình lịch sử, bao gồm “Võ Tánh”, “Tử chiến thành Đa Bang” (3 tập), “Lý Thường Kiệt” (3 tập), “Khai mở triều Trần” (5 tập), “Việt Nam trăm bậc vĩ nhân” (9 tập)... Các bộ phim này có lượng khán giả theo dõi lớn, cao nhất là hơn 3,5 triệu lượt xem. Phim của một số đơn vị như DeeDee Animation Studio, Colory, Red Cat Motion... cũng gây ấn tượng với người xem.
Lạc quan về tương lai của hoạt hình
Thời điểm hiện tại, việc tên của những cá nhân và đội ngũ người Việt xuất hiện trong phần sáng tạo của các dự án hoạt hình tầm cỡ từ anime Nhật Bản đến Hollywood đã không còn là điều hiếm lạ. Một số dự án gặt hái thành công trên trường quốc tế như “U Linh Tích Ký: Bột thần kỳ” được chiếu ở 2 liên hoan phim lớn, hay phim ngắn 9 phút “Giấc mơ gỏi cuốn” của Mai Vũ được trao giải Light on Women Award 2022 tại Cannes... là minh chứng cho thấy hoạt hình Việt Nam không thiếu tay nghề kỹ thuật chuẩn quốc tế, lại càng không thiếu những bộ óc sáng tạo nhanh nhạy với xu thế toàn cầu.
Nhà làm phim trẻ Mai Vũ đánh giá: "Tôi cảm thấy như đây là thời của hoạt hình Việt Nam vậy. Đến thời điểm hiện tại thì hoạt hình ở Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh, thu hút nhiều nguồn lực hơn, chủ yếu ở mảng quảng cáo và VFX (hiệu ứng hình ảnh). Các studio vận hành chuyên nghiệp hơn và bắt kịp về công nghệ và chất lượng so với phim nước ngoài. Cụ thể, ở miền Nam có studio Colory mạnh về hoạt hình 3D, Red Cat Motion mạnh về hoạt hình 2D và motion graphic, Bad Clay mạnh về VFX. Ở ngoài Bắc thì có Dee Dee Animation làm hoạt hình 2D rất khéo. Về mảng stop-motion (hoạt hình tĩnh vật) thì trước đây có Hi Pencil studio, bây giờ có nhiều nhóm làm phim chịu khó mày mò về mặt hình ảnh như bên StoptoMove. Hầu hết các studio làm quảng cáo hoặc out-source cho nước ngoài. Nhưng họ đều ấp ủ dự án riêng, lấy ngắn nuôi dài. Vậy nên, tôi rất lạc quan về tương lai hoạt hình ở Việt Nam".
Quan trọng hơn cả, dù chưa có những bước đột phá lớn, hoạt hình Việt Nam vẫn khiến khán giả chờ đón những sản phẩm chất lượng hơn trong tương lai bởi vẫn luôn có một đội ngũ làm phim đầy đam mê, đặc biệt là các nhà làm phim trẻ.
Đại diện Sun Wolf Animation Studio chia sẻ: “Dự án “Hành trình nhân quả” của chúng tôi ra đời với khát khao mong muốn chứng minh người Việt Nam có thể tạo ra những thước phim hoạt hình thật sự chất lượng, mãn nhãn, đủ sức nặng để đem lại niềm tin cho những người muốn làm phim hoạt hình, nhà đầu tư và khán giả... Điều quan trọng là ngoài câu chuyện để lại dấu ấn với giới trẻ, chúng tôi muốn góp phần tạo nên bản sắc riêng cho hoạt hình Việt Nam và mang lại niềm hy vọng lớn hơn cho giới trẻ Việt về hoạt hình Việt Nam. Cũng bởi vậy mà trong suốt quá trình làm phim, chúng tôi dù đôi lúc có than thở “khó ghê” nhưng rồi cũng vỗ vai nhau mà nói: “Khó cách mấy cũng phải làm cho bằng được”.
Với khát vọng lớn lao ấy và đà tiến đã được tiếp nối qua nhiều thế hệ, hy vọng chúng ta sớm có những tác phẩm hoạt hình Việt Nam xứng tầm, chinh phục được các rạp chiếu ở trong và ngoài nước.