Lan tỏa thông điệp ''sống xanh''
Đời sống - Ngày đăng : 07:02, 15/07/2022
“Cuộc đời của tre”
Vào trang web của Bamboo Life, bạn sẽ ngạc nhiên trước những vật dụng như đũa, thìa, bát, đĩa, cốc, bàn chải, ống hút, khay, hộp trà... được làm bằng tre. Các sản phẩm này tuy không có màu sắc sặc sỡ, kiểu dáng hiện đại nhưng khiến người ta lắng lại bởi sự mộc mạc, đơn giản và đậm chất truyền thống như chính cây tre của người Việt.
Bà Trần Nguyên Ngọc, Quản lý nhãn hàng và quảng cáo, Công ty Bamboo Life, cho biết, những sản phẩm này do hai chị em bà tự học hỏi cách làm và thiết kế mẫu mã, qua đó, khuyến khích người tiêu dùng hạn chế sử dụng sản phẩm từ nhựa để bảo vệ môi trường. “Tại sao ngày xưa các cụ có thể sử dụng những đồ vật có độ bền cao, nguyên liệu sẵn có, lại mang nét đặc trưng văn hóa và bảo vệ môi trường mà giờ chúng ta lại sử dụng những sản phẩm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của mình? Vì thế, chúng tôi đã cố gắng tạo ra những sản phẩm gắn bó với đời sống từ cây tre bởi giá thành phù hợp, dễ sử dụng, thân thiện với môi trường, đồng thời góp phần thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa, vật dụng bằng nhựa dùng một lần”.
Tuy nhiên, những sản phẩm làm từ tre chưa thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng bởi nhiều lý do. Để sản xuất sản phẩm, đồ gia dụng bằng tre thì phải am hiểu về đặc tính của tre cùng con mắt thẩm mỹ và đôi tay khéo léo. Khó nhất là việc tạo hình sản phẩm bởi thân tre chủ yếu là thớ dọc và mỏng, dễ bị vỡ, nứt theo thớ. Để bảo quản sản phẩm, sau khi tạo dáng, người ta phải xử lý, ngâm nước muối cacbon, rửa sạch bụi mùn trong ống tre rồi cho vào lò hấp theo nhiệt độ nhất định để sản phẩm lên màu tự nhiên. Bên cạnh đó, khí hậu nhiệt đới khiến các sản phẩm rất dễ bị mốc, hỏng. Đó là lý do nhiều người e ngại việc sử dụng các sản phẩm làm bằng tre.
Nhưng theo bà Trần Nguyên Ngọc, nhờ kiên trì lan tỏa thông điệp “xanh” về bảo vệ môi trường nên ngày càng nhiều khách hàng của Bamboo Life sử dụng đồ tre thay thế đồ dùng bằng nhựa. Khách hàng của công ty không chỉ là người tiêu dùng trong nước, mà còn là đối tác từ Anh, Mỹ, Australia, Nhật Bản... “Và như thế, cây tre đã sống cuộc sống của mình, đồng thời mang lại hiệu quả tích cực cho xã hội” - bà Ngọc nói.
“Khu vườn” của những “viên đá quý màu xanh”
Bà Trần Nguyên Ngọc là tình nguyện viên nòng cốt đầu tiên, nay là một trong những nhân viên của Tổ chức Keep Hanoi Clean. Nơi trưng bày sản phẩm của Bamboo Life cũng chính là “đại bản doanh” của Tổ chức Keep Hanoi Clean (KHC - số 587 đường Lạc Long Quân, phường Xuân La, quận Tây Hồ). Tầng 1 của ngôi nhà là nơi trưng bày các mặt hàng của Green Gem Shop - cửa hàng Những viên đá quý màu xanh. Đây là nơi tập hợp các mặt hàng thủ công “handmade” độc đáo được làm từ nguyên liệu tái chế, như túi đựng bình nước, ví, hoa tai, vòng... làm từ quần bò đã qua sử dụng; chai thủy tinh tái chế được nung nóng rồi tạo hình chiếc đĩa, lọ cắm hoa độc đáo; những chậu trồng cây được làm từ vỏ hộp sữa có kết cấu chắc chắn, phù hợp để trồng cây trong nhà hay văn phòng.
Với mong muốn lan tỏa lối sống “xanh”, đưa thiên nhiên đến gần con người, bà Ngọc tự tay ủ phân hữu cơ, trồng các loại cây cảnh trong các hộp, ống tre như trầu bà, cau tiểu trâm, sống đời, lan chi, sen cạn... Mỗi cây có giá trung bình từ 50 - 120 nghìn đồng. Trong số tiền thu được từ các mặt hàng tại đây, sẽ có một phần được dành cho quỹ hoạt động của KHC.
Ngoài các mặt hàng thủ công và cây cảnh, khách hàng đến với Green Gem Shop có thể chọn mua quần áo, giày dép đã qua sử dụng nhưng vẫn còn mới. Tại đây còn có khu vực để quần áo miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn cùng rất nhiều đầu sách miễn phí do các tình nguyện viên đóng góp nhằm mang lại nguồn kinh phí hoạt động ổn định cho KHC.
Theo Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Keep Hanoi Clean Bùi Thị Ngọc Diệp: “Quần áo đã qua sử dụng cũng được coi là một thứ “rác tiêu dùng”, “rác thời trang”. Hằng năm, khối lượng rác này được thải ra không ít, nhiều quần áo vẫn có thể tiếp tục được tái sử dụng. Vì thế, chúng tôi quyết định xây dựng Green Gem Shop này để mọi người có quần áo không sử dụng có thể quyên góp. Đích đến cuối cùng của việc này là ngày càng nhiều người biết đến nền kinh tế tuần hoàn và việc kéo dài vòng đời của sản phẩm, từ đó hạn chế xả rác ra môi trường, góp phần tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu trong quá trình xử lý loại “rác” này”.
Keep Hanoi Clean là một tổ chức phi chính phủ, một doanh nghiệp xã hội hoạt động vì cộng đồng, bắt đầu hoạt động từ năm 2016. Mục tiêu, hành động của KHC tập trung vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng và điều kiện môi trường thực tế ở Hà Nội. Chiến lược của KHC là giải quyết các vấn đề về chất thải rắn và kinh tế tuần hoàn với sứ mệnh “trao quyền cho cuộc sống bền vững thông qua nghiên cứu, hợp tác, giáo dục và các dự án cộng đồng”.
Vì thế, ngoài Green Gem Shop, KHC còn có nhiều hoạt động khác tại Hà Nội như: Chương trình làm đẹp cảnh quan, hỗ trợ cộng đồng tổ chức sự kiện dọn dẹp, xây dựng vườn cộng đồng và không gian xanh đô thị, tăng cường công tác quản lý rác thải và kiến tạo các tác phẩm nghệ thuật công cộng; Chương trình Green Delivery (Giao hàng xanh) - một hợp phần thuộc Chương trình làm đẹp cảnh quan, nhằm hỗ trợ các nhà hàng chuyển đổi bao bì từ nhựa dùng một lần sang bao bì thân thiện với môi trường.
Một trong những bước triển khai đầu tiên của Chương trình Green Delivery đang được các thành viên của KHC gấp rút hoàn thiện trong tháng 7-2022 là Dự án “Phố ẩm thực xanh Tống Duy Tân - ngõ Cấm Chỉ”. Đây là hoạt động do KHC phối hợp cùng Tổ chức GreenHub đồng hành cùng 40 cửa hàng trên tuyến phố này nhằm thay thế đồ nhựa dùng một lần bằng những thứ được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường, có thể phân hủy dưới dạng phân hữu cơ để bón cây, giúp giảm thiểu rác thải ở Hà Nội. Theo thống kê, hiện mỗi ngày người dân Hà Nội thải ra khoảng 6.500 tấn rác thải, trong đó 50% là rác thải nhựa, chủ yếu là đồ nhựa dùng một lần tại các cửa hàng ăn uống, mua sắm.
Chia sẻ về mục tiêu, ý nghĩa của dự án nói trên, bà Bùi Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Keep Hanoi Clean cho biết: “Với mong muốn giảm thiểu rác thải, chúng tôi nảy ra ý tưởng thực hiện dự án này từ đợt giãn cách xã hội năm 2021. Khi phải ở nhà và đặt đồ ăn, chúng tôi nhận ra, lượng rác thải nhựa sau mỗi lần đặt hàng như vậy khá nhiều. Vì thế, từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, chúng tôi đồng hành cùng Tổ chức GreenHub tiến hành khảo sát về các loại rác thải tại 40 nhà hàng trên phố Tống Duy Tân và ngõ Cấm Chỉ. Chúng tôi mong muốn hỗ trợ các chủ cửa hàng này để họ thay đổi nhận thức và dần chuyển sang sử dụng bao bì “xanh”, thân thiện với môi trường. Đáng mừng là, nhiều chủ cửa hàng cũng như khách hàng đã đồng ý với việc chuyển đổi này, cho dù phải mất thêm một khoản chi phí nhỏ. Chúng tôi tin tưởng rằng, xu hướng sống “xanh” sẽ ngày càng phổ biến khi nhận thức của người dân hiện đã có dấu hiệu thay đổi khá tích cực. Đây sẽ là dự án dài hơi và chúng tôi mong muốn có thể nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành phố khác”.
Với những mô hình, cách làm mang ý nghĩa bảo vệ môi trường như trên, chắc chắn lối sống “xanh” sẽ ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ và nguồn cảm hứng “xanh” ấy sẽ “xanh hóa” tư duy của nhiều người, để môi trường sống, môi trường tự nhiên ngày càng được bảo vệ, phát triển theo hướng bền vững.