Về Cát Tiên nghe “Rừng Gọi”
Du lịch - Ngày đăng : 07:40, 16/07/2022
Báu vật của thiên nhiên
Vườn quốc gia Cát Tiên cách thành phố Hồ Chí Minh 150km về phía bắc, nằm trên địa bàn 5 huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai); Cát Tiên, Bảo Lâm (Lâm Đồng) và Bù Đăng (Bình Phước); có đặc trưng rừng đất thấp ẩm ướt nhiệt đới, được thành lập từ năm 1992. Toàn bộ Cát Tiên có diện tích 719,20km2, gồm 3 hợp phần tương ứng với các khu bảo tồn động thực vật, đó là: Khu vực Cát Lộc nằm trên địa bàn huyện Cát Tiên và Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) - nơi bảo tồn loài tê giác; Nam Cát Tiên (thuộc địa bàn huyện Tân Phú, tỉnh Lâm Đồng) có nhiều vùng đất ngập nước như Bàu Sấu, Bàu Chim, Bàu Cá...; Tây Cát Tiên (thuộc huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) có 50% diện tích là rừng cây xanh, 40% là rừng tre, 10% là nông trại.
Cát Tiên có hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Hệ thực vật hiện gồm 1.610 loài thuộc 724 chi, trong đó có 62 loài lan quý cùng nhiều cây cổ thụ lâu đời như cây tùng 500 năm tuổi, cây gỗ đỏ 700 năm tuổi... Hệ động vật có 1.529 loài, thuộc 55 bộ, 222 họ, gồm thú, chim, bò sát, lưỡng cư, côn trùng, cá..., trong đó có 40 loài có tên trong Sách đỏ thế giới.
Được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ quanh năm nên Cát Tiên từ lâu đã trở thành điểm du lịch khám phá thiên nhiên lý tưởng. Thời gian phù hợp nhất để tới Cát Tiên là từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, khi thời tiết không còn nóng nhiều, ít mưa, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, thích hợp để ngắm cảnh, thăm thú và tham gia các hoạt động trải nghiệm. Tới đây, du khách có thể khám phá rừng bằng nhiều cách như trekking, đạp xe trên những con đường mòn, cắm trại...
Bàu Sấu cũng là một điểm đến không nên bỏ qua. Đây là nơi có diện tích đất ngập nước lớn nhất Vườn quốc gia Cát Tiên với mặt bàu rộng hơn 2.500ha vào mùa mưa; vào mùa hè, mặt bàu chỉ còn 100 - 150ha. Khu vực Bàu Sấu không chỉ là “ngôi nhà” của cá sấu mà còn tập trung nhiều loài động thực vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Bên cạnh đó, đảo Tiên cũng là một điểm tham quan lý thú. Đảo có diện tích 57ha, là nơi bảo tồn nhiều loài động vật quý hiếm như vượn đen má vàng, voọc vá chân đen, cu ly nhỏ... Nơi đây còn có một trạm cứu hộ gấu - nơi chăm sóc và chữa trị những chú gấu bị thương.
Ngoài ra, du khách cũng có thể tới thăm làng dân tộc thiểu số Tà Lài, là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Mạ, S’tiêng, Tày... Tại đây, du khách sẽ được tham quan nhiều địa điểm nổi tiếng như thác Trời, đồi Đá Trắng, hang Dơi và khám phá phong tục tập quán độc đáo của các dân tộc, thưởng thức ẩm thực cùng nhiều hoạt động thú vị khác. Với sự độc đáo tự nhiên và đa dạng sinh học, Vườn quốc gia Cát Tiên được coi là báu vật của thiên nhiên và đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới từ năm 2001. Năm 2012, Vườn quốc gia Cát Tiên được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Về nghe “Rừng Gọi”
Những người quan tâm đến Cát Tiên hầu hết đều biết thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, một chuyên gia lâm nghiệp, nhà bảo vệ môi trường đã gắn bó với Cát Tiên như ngôi nhà thứ hai của mình. Anh thường giúp đỡ, tư vấn cho người dân trồng, bảo vệ rừng và làm du lịch. Bên cạnh đó, anh thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện như mở lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em ở khu vực Nam Cát Tiên, bồi dưỡng kiến thức, cung cấp tài liệu cho người dân về bảo vệ rừng và môi trường thiên nhiên. Anh cũng là người sáng lập nhóm “Yêu quý bảo vệ Cát Tiên” nhằm tập hợp những người có cùng chí hướng bảo vệ Vườn quốc gia Cát Tiên.
Năm 2014, Nguyễn Huỳnh Thuật ra mắt cơ sở Rừng Gọi (Forest Call) có địa chỉ tại ấp 3, xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Đây là cơ sở lưu trú, nơi cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch và cũng là trung tâm thực hiện hoạt động cộng đồng nhằm giáo dục con người sống xanh, gần gũi và bảo vệ Mẹ thiên nhiên. Rừng Gọi vừa là trung tâm giáo dục vừa là trung tâm phát triển xanh, thân thiện với môi trường, giúp cộng đồng tổ chức hoạt động thu được lợi nhuận mà không hủy hoại môi trường dưới hình thức canh tác hữu cơ và các hoạt động cải thiện sinh kế thân thiện với môi trường. Năm 2019, anh thành lập một tủ sách cộng đồng miễn phí dành cho người dân và du khách khi tới Nam Cát Tiên.
Chia sẻ về dự án Rừng Gọi Cát Tiên - Đồng Nai và nhiều nơi khác, Nguyễn Huỳnh Thuật nói: “Về với thiên nhiên, bạn sẽ được thanh lọc và tự chữa lành, làm mới mình, trải lòng với đất mẹ, trải nghiệm đời sống nông thôn trong chòi lá giữa rừng cây; tập sống tối giản, thuận tự nhiên, tập vượt qua và chiến thắng chính mình, thích nghi với mọi hoàn cảnh để chạm đến tự do vô biên, yêu thương tuyệt đối và hạnh phúc vững bền”. Đó cũng chính là những trải nghiệm khiến du khách muốn quay lại Rừng Gọi cũng như Vườn quốc gia Nam Cát Tiên.