Tránh ''lối mòn'' trong lập Quy hoạch Thủ đô
Kinh tế - Ngày đăng : 06:15, 18/07/2022
Các mục tiêu cần được lượng hóa
Góp ý về quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu chính của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tiến sĩ Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, quy hoạch cần căn cứ và bám sát các văn kiện quan trọng về phát triển Thủ đô, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Quan điểm về mục tiêu, tầm nhìn của quy hoạch Thủ đô cần tránh chung chung, ý tưởng phải xác định rõ ràng những vấn đề Hà Nội cần làm để đơn vị tư vấn nghiên cứu. Quan trọng là cần khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, làm rõ triết lý phát triển của Hà Nội”, Tiến sĩ Cao Viết Sinh nêu.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Ân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: “Yêu cầu đầu tiên của việc lập quy hoạch là phải đổi mới căn bản tư duy phát triển nhằm xây dựng Thủ đô thông minh, hiện đại, xanh, bền vững, đẹp và an toàn. Tuy nhiên, tất cả những yếu tố này đều phải được lượng hóa bằng những chỉ tiêu cụ thể. Thủ đô phải thu hút nguồn lực chất lượng cao; dứt khoát đi đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới, sáng tạo, bởi công nghệ số đang là cơ hội thay đổi phương thức phát triển cho nhiều quốc gia trên thế giới”.
Cũng theo vị chuyên gia này, mô hình phát triển của Hà Nội phải là hệ thống các đô thị đáng sống, kết nối giữa trung tâm với ngoại vi, đô thị vệ tinh, sinh thái, mục đích lấy người dân là mục tiêu phát triển, phát huy tối đa nguồn lực của Thủ đô. Việc phát triển tổ chức không gian phải tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên.
Còn theo Tiến sĩ Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, ngoài tinh thần đổi mới, sáng tạo, cần xoay quanh từ khóa “đột phá” trong các công việc, từ đánh giá hiện trạng, giải quyết các vấn đề tồn đọng, định hướng tương lai. Cùng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần xác định sứ mệnh của Hà Nội đối với nhân dân Thủ đô, đối với Vùng Thủ đô và cả nước. Điều đó đòi hỏi những tư duy mới, khác biệt để tìm được sứ mệnh, quan điểm phát triển Hà Nội.
Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội phân tích, quan điểm phát triển trong lập quy hoạch Thủ đô phải liên quan đến tầm nhìn, mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế đô thị, tổ chức không gian, xác định nguồn lực và khai thác nguồn lực… Quan điểm về phát triển Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 là phát triển nhanh, bền vững, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại; đưa Hà Nội trở thành nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa văn hóa Việt, tiến tới thành phố kết nối toàn cầu. Đặc biệt, quan điểm phát triển phải thể hiện khát vọng của người Hà Nội, của Thủ đô Hà Nội.
Khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ đánh giá, những ý kiến gợi ý của các chuyên gia rất quý báu với Hà Nội. Đây cũng là cách làm để phát huy sự đổi mới, sáng tạo, tránh “lối mòn” trong lập quy hoạch Thủ đô. Thời gian tới, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các tọa đàm chuyên đề nhằm lấy ý kiến về các nội dung và đẩy nhanh tiến trình, sớm lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch Thủ đô theo quy định của pháp luật.
Còn theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ 2021-2030 và những năm tiếp theo. Phạm vi nghiên cứu của quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hà Nội, có tính tới mối liên hệ phát triển Vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được triển khai theo phương pháp tích hợp, đa ngành, bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ trong định hướng phát triển và liên kết giữa các ngành, lĩnh vực nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng nội dung, tiến độ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị được phân công nhiệm vụ triển khai đồng thời, lồng ghép các nội dung, tinh gọn các thủ tục, rút ngắn thời gian nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng và tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Hồ sơ và nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phấn đấu hoàn thành trong quý II-2023 và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào quý III-2023.