Ngăn chặn suy thoái từ sớm, từ xa
Xây & Chống - Ngày đăng : 06:16, 19/07/2022
Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Việt Hà:
Xử lý tổ chức, đảng viên vi phạm để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng
Quy định số 69-QÐ/TƯ gồm 4 chương, 58 điều, quy định nội dung vi phạm, hình thức kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm. Trong đó Điều 32 của Quy định số 69-QÐ/TƯ quy định cụ thể về kỷ luật đảng viên vi phạm trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành cho thấy quan điểm tổ chức Đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật Đảng.
Căn cứ vào quy định, quận Thanh Xuân sẽ tập trung chỉ đạo thi hành kỷ luật đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục và thẩm quyền đối với những tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng. Khi xem xét kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, kết quả sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra...
Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh:
Tăng cường đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy định
Theo Quy định số 69-QÐ/TƯ, đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có vi phạm ở cơ quan, đơn vị cũ đến mức phải kỷ luật thì xem xét kỷ luật theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đáng chú ý, Quy định số 69-QÐ/TƯ quy định rõ hình thức kỷ luật với đảng viên vi phạm quy định về chống chạy chức, chạy quyền. Kỷ luật tổ chức Đảng phải xem xét rõ trách nhiệm của tập thể, của từng cá nhân liên quan để kỷ luật đối với đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Thời gian tới, huyện Thường Tín sẽ tập trung chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng tăng cường đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc quán triệt và thực hiện quy định.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì):
Kỷ luật Đảng được chấp hành nghiêm túc sẽ làm giảm đảng viên, tổ chức Đảng mắc khuyết điểm, vi phạm
Với Quy định số 69-QĐ/TƯ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã gộp cả Quy định về kỷ luật đảng viên và Quy định về kỷ luật tổ chức Đảng vào cùng một văn bản. Hình thức kỷ luật đối với đảng viên và tổ chức Đảng được quy định rất cụ thể tại Điều 7, Quy định số 69-QĐ/TƯ. Theo đó, tùy theo mức độ vi phạm, tổ chức Đảng có thể phải chịu hình thức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến mức giải tán; đảng viên chính thức có thể chịu hình thức kỷ luật từ: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; đảng viên dự bị cũng phải chịu hình thức kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo. Khi kỷ luật Đảng được chấp hành nghiêm túc thì đảng viên, tổ chức Đảng mắc khuyết điểm, vi phạm chắc chắn sẽ giảm.
Đảng viên Nguyễn Thị Quyền, Chi bộ số 19, phường Thượng Thanh, quận Long Biên:
Quy định mới vừa chặt chẽ, cụ thể, vừa thể hiện tính nhân văn
So với quy định cũ, Quy định số 69-QĐ/TƯ đã bổ sung và nêu cụ thể các trường hợp được miễn hoặc hoãn, chưa thi hành kỷ luật. Đối tượng được mở rộng gồm: Đảng viên là nữ đang mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc là nam nhưng do vợ chết hoặc vì khách quan, bất khả kháng cũng đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; đảng viên bị bệnh nặng đang điều trị nội trú; đảng viên đã qua đời thì không bị kỷ luật (trừ trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng). Trường hợp không kỷ luật và được miễn kỷ luật cũng được quy định rất chi tiết, cụ thể. Như vậy, quy định mới không chỉ chặt chẽ, bao quát hơn mà còn thể hiện tính nhân văn của Đảng trong xử lý, kỷ luật đảng viên, tổ chức Đảng vi phạm.
Đảng viên Dương Thị Diễm Ngọc, Chi bộ 2, Đảng bộ Trung tâm Thông tin tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (phường Quang Trung, quận Hà Đông):
Giúp đảng viên tự giác và nghiêm túc chấp hành các quy định của Đảng
Việc ban hành Quy định số 69-QĐ/TƯ là một bước hiện thực hóa mục tiêu tăng cường kỷ luật, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc tăng cường kỷ luật không phải là “đếm số lượng”, thi hành kỷ luật đảng viên càng nhiều, càng nặng càng tốt, mà chủ yếu là đặt ra các ranh giới cụ thể để giáo dục, răn đe, giúp đảng viên hiểu đúng vai trò, trách nhiệm của bản thân và nhận thấy những sai lầm, khuyết điểm, từ đó có biện pháp khắc phục, sửa chữa, nêu cao ý thức trách nhiệm và nghiêm túc, tự giác chấp hành kỷ luật Đảng. Việc đề ra các hình thức kỷ luật mục đích là để đảng viên hiểu rõ những điều không được phép làm, tránh những sai phạm trong công tác, trong lối sống, góp phần nâng cao uy tín của Đảng trước nhân dân. Cũng từ đó, mỗi đảng viên sẽ thực sự trở thành người tiên phong, gương mẫu trong thực hiện hiệu quả các quy định của Đảng và pháp luật.