Gìn giữ di sản cho muôn đời sau

Văn hóa - Ngày đăng : 06:14, 20/07/2022

(HNM) - Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về Hội nghị chuyên đề Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, thống nhất một số nội dung, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội (nhiệm kỳ 2020-2025), trong đó có kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với công tác bảo tồn, tôn tạo di tích. Loạt bài “Gìn giữ di sản cho muôn đời sau” trên Báo Hànộimới hằng ngày, phản ánh thực trạng công tác tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn Hà Nội, đồng thời đề xuất sáng kiến, giải pháp triển khai hiệu quả Nghị quyết của Đảng bộ thành phố trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Đình Yên Lỗ, xã Cẩm Yên (huyện Thạch Thất) đã xuống cấp, cần được tu bổ, tôn tạo kịp thời.

Bài 1: Thách thức với “Thủ đô di sản”

“Đình, chùa chống gậy chờ sập”; “Tượng thờ đội nón, mặc áo mưa”; “Di tích Hà Nội lại kêu cứu”… là những dòng tít xuất hiện trên nhiều trang báo thời gian gần đây, cho thấy áp lực trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn Hà Nội. Dù đã dành hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho công tác này, song Hà Nội vẫn còn hàng trăm lượt di tích “xếp hàng” chờ tu bổ, trong đó có không ít công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Di tích “xếp hàng” chờ tu bổ

Động Hoàng Xá (thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) nằm trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách. Nơi đây nổi tiếng với dãy núi “voi chầu” trải dài, ôm trọn động đá thiên tạo, đền, chùa, nhà thủy đình, hồ sen…, tạo nên một vùng phong cảnh “sơn thủy hữu tình”. Mỗi năm, điểm đến thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, đồng thời là một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà làm phim, mỗi khi cần bối cảnh cổ kính, hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên.

Thế nhưng, thời gian gần đây, động Hoàng Xá khoác lên mình vẻ hoang vu, tiêu điều do thiếu sự đầu tư tôn tạo. Toàn bộ tường bao cổng vào khu di tích bị sập đổ; bờ kè hồ nước nhiều đoạn sụt lún, cây ven hồ bật gốc; cầu bán nguyệt giữa hồ, lối lên động đá xuất hiện nhiều vết nứt, vỡ… Sự xuống cấp cũng “ăn mòn” tới nhà thủy đình, khiến “bông sen giữa hồ” trở nên nhếch nhác, xập xệ: Tường vôi bong tróc; dui, kèo, cột gỗ gãy mọt và bị rễ cây xâm lấn; nhiều đoạn mái bị xô lệch, rỗng ngói… Ông Bùi Văn Nhàn (người trông coi điểm di tích động Hoàng Xá) cho biết: “Khu vực cầu bán nguyệt, nhà thủy đình nhiều năm nay phải khóa lại để phòng tai nạn xảy ra với du khách, trong khi cổng vào di tích giờ cũng chỉ mang tính tượng trưng do không có tường bảo vệ, trở thành địa bàn hoạt động của không ít đối tượng bất hảo, nghiện hút”.

Cách động Hoàng Xá không xa là Di tích quốc gia Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất) - nơi ghi dấu những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc vào năm 1947. Do đặc thù nhà tranh, mái rạ, phên nứa, tường vôi cộng thêm những tác động từ thời tiết, khí hậu, nhiều năm nay, di tích có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng…

Chung tình trạng, hầu hết rui, kèo, cột gỗ đình Yên Lỗ, xã Cẩm Yên (huyện Thạch Thất) đã bị mối xông, tiêu tâm nham nhở; mái ngói thấm dột, khiến trong nhà “chưa mưa đã ngập”. Theo ông Nguyễn Văn Sang, Trưởng thôn Yên Lỗ, hằng năm, địa phương đều có đầu tư khắc phục, nhưng chỉ ở mức sửa chữa, gia cố nhỏ, trong khi di tích cần được tu bổ tổng thể với kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Mái nhà thủy đình của động Hoàng Xá (thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) nhiều chỗ rỗng ngói, cột kèo mục nát.

Ứng xử kịp thời để cứu nguy di tích

Được coi là vùng tài nguyên di sản giàu có, đa dạng nhất đất nước, Hà Nội hiện có gần 6.000 di tích được nhận diện, kiểm kê, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích cấp quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố…

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho rằng, Hà Nội hiện diện đầy đủ loại hình di tích nhất trên cả nước, từ đình, đền, chùa, quán, miếu… đến thành cổ, phố cổ, làng cổ, cửa ô, văn chỉ. Đây cũng là nơi lưu giữ những ngôi đình cổ nhất, trường đại học đầu tiên, đệ nhất danh thắng, đệ nhất cổ tự… - những báu vật trời Nam, chỉ tên tuổi thôi cũng đã nói lên rất nhiều điều về tiến trình lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc hay đời sống tâm linh của nhiều thế hệ.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, dù đã có 1.125 lượt di tích được tu bổ, tôn tạo trong giai đoạn 2013-2020, song đến nay, thành phố vẫn còn tới 1.284 di tích xuống cấp; trong đó, có hơn 314 đình, đền, chùa, miếu… xuống cấp nghiêm trọng, tập trung nhiều ở các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Phú Xuyên, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thanh Trì, Quốc Oai...

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu nhớ lại sự việc khối xà trung đình Vĩnh Phệ, xã Chu Minh bị gãy rơi, ngay khi cụ từ đình đi qua, khiến nhiều người hoảng hốt. Trước đó, nhân dân trong thôn đã phải sử dụng tới 15 cây cột tre để chống đỡ ngôi đình. Sau sự việc trên, đồ thờ tự trong đình được đưa ra ngoài di tích để người dân hành lễ. Còn theo sư thầy Thích Đàm Trọng Nghĩa, trụ trì chùa Báo Ân, xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai), di tích xuống cấp không được tu bổ kịp thời, khiến nhiều hạng mục kiến trúc bị hư hại. 12 pho tượng đất cổ đặt tại ngôi Tam Bảo đã bị nứt, gãy hoặc vỡ vụn hoàn toàn.

Nhận diện những thách thức từ “Thủ đô di sản”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho hay, vấn đề lớn nhất hiện nay chính là tình trạng nhiều di tích xuống cấp, không được tu bổ kịp thời do thiếu nguồn lực, theo thời gian tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng.

Trong các nguồn lực văn hóa tạo nên “sức mạnh mềm” của Việt Nam, Thăng Long - Hà Nội có một vị trí và sứ mệnh đặc biệt. Làm nên những giá trị ấy có vai trò to lớn của hệ thống di sản văn hóa - nguồn tài nguyên vô giá trên mảnh đất ngàn năm văn hiến. Trải qua hàng nghìn năm với bao biến động dữ dội giữa các triều đại và thời kỳ lịch sử, sức sống nhiều di tích đang bị đe dọa, tiềm ẩn nguy cơ mai một, đòi hỏi có những ứng xử đúng đắn, kịp thời để cứu nguy di sản.

(Còn nữa)

Nhóm phóng viên