Thực hiện quyết liệt, đồng bộ giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Kinh tế - Ngày đăng : 16:07, 21/07/2022

(HNMO) - Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và năm 2021 kéo dài, phấn đấu giải ngân đạt trên 90% kế hoạch vốn năm 2022, UBND thành phố yêu cầu thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp, biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Ảnh minh họa

Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân thấp

Ngày 21-7, UBND thành phố Hà Nội có Thông báo số 545/TB-UBND đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và năm 2021 kéo dài.

Trước đó, ngày 17-6, tại trụ sở UBND thành phố, đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND thành phố đã chủ trì cuộc họp trực tuyến đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và năm 2021 kéo dài.

Sau khi nghe lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, ý kiến phát biểu của các đơn vị, của các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố, các Ban thuộc HĐND thành phố; thay mặt UBND thành phố, đồng chí Lê Hồng Sơn kết luận, chỉ đạo như sau:

Theo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 16-6-2022, thành phố giải ngân được hơn 8.883 tỷ đồng kế hoạch năm 2022, đạt 17,4% kế hoạch thành phố giao; giải ngân kế hoạch vốn đầu tư cấp thành phố năm 2021 kéo dài sang năm 2022 đạt 7,5% kế hoạch; giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công cấp huyện kéo dài sang năm 2022 đạt 14,5% kế hoạch.

Một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân của thành phố là UBND quận Ba Đình (63,1%), UBND quận Long Biên (56,5%), Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố (37,1%)…

Tuy nhiên, 24 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân của thành phố là UBND huyện Thạch Thất (8,1%), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2,9%) và 4 đơn vị đến nay chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Cục Hậu cần (Bộ Công an). Nhiều dự án cấp thành phố đến nay chưa giải ngân; các dự án trọng điểm giải ngân chậm…

Việc giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội; giá vật liệu xây dựng đầu năm tăng cao, huy động nhân lực khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, kế hoạch vốn nước ngoài đầu năm giao cao…

Bên cạnh các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, thời gian qua vẫn có những đơn vị, chủ đầu tư, UBND một số quận, huyện giải ngân tốt. Vì vậy, thành phố đánh giá nguyên nhân chủ quan là quan trọng, chủ yếu do các chủ đầu tư thiếu quyết liệt, sâu sát, một số đơn vị thiếu quyết tâm chính trị, vai trò của người đứng đầu chưa được phát huy, công tác chuẩn bị dự án chất lượng chưa cao nên vướng mắc khi triển khai, một số nhà thầu yếu kém về năng lực…

Phấn đấu giải ngân đạt trên 90% kế hoạch vốn năm 2022

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và năm 2021 kéo dài, phấn đấu giải ngân đạt trên 90% kế hoạch vốn năm 2022, UBND thành phố yêu cầu thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp.

Theo đó, từng cấp, từng ngành, UBND quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư phải nghiêm túc quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố đẩy mạnh tháo gỡ các vướng mắc, tích cực giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công trên tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương, các cấp quản lý; xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của người đứng đầu và cán bộ, công chức liên quan; xác định rõ nguyên nhân cả chủ quan và khách quan để làm căn cứ xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng giải ngân vốn đầu tư công thấp.

Các chủ đầu tư tăng cường tính chủ động trong phối hợp với các quận, huyện và các sở, ngành để triển khai dự án, rà soát, đánh giá kỹ khả năng thực hiện của dự án với tinh thần nỗ lực cao nhất, lập kế hoạch giải ngân cụ thể và cam kết với thành phố kết quả giải ngân theo từng dự án, từng tháng, từng quý và chịu trách nhiệm toàn diện trước thành phố kết quả giải ngân các dự án.

UBND thành phố giao các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa và Thể thao, sở, ngành thành phố chịu trách nhiệm trước thành phố về việc hướng dẫn các chủ đầu tư xử lý các nội dung vướng mắc theo thẩm quyền; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư, thẩm định, phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư, thiết kế, dự toán; tăng cường quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng, chất lượng công trình theo chức năng, nhiệm vụ và quy định pháp luật; kịp thời báo cáo UBND thành phố xem xét, giải quyết nội dung vượt thẩm quyền.

Kho bạc Nhà nước Hà Nội giải quyết khẩn trương, thanh toán cho các dự án đầu tư khi đủ điều kiện giải ngân; phối hợp với các chủ đầu tư và các sở, ngành xử lý vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi…

Cùng ngày, UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022. UBND thành phố yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, giám đốc các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thành phố, các chủ đầu tư dự án cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch trong thực hiện kế hoạch đầu tư công. Các sở, ngành tăng cường đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kế hoạch đầu tư công.

UBND thành phố giao các chủ đầu tư nghiên cứu các giải pháp có tính căn cơ, tính đột phá để giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022 và năm 2021 kéo dài của các dự án được giao (đạt tỷ lệ 100%). UBND thành phố cũng yêu cầu tuyệt đối không để nợ đọng xây dựng cơ bản…

Hương Thủy