Đến năm 2025 Việt Nam phải dự báo, cảnh báo được ô nhiễm môi trường
Công nghệ - Ngày đăng : 20:18, 22/07/2022
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân và lãnh đạo 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường...
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam (Tổng cục Môi trường) Lê Hoài Nam cho biết, tại khu vực miền Nam, mạng lưới quan trắc môi trường đã trải rộng trên khắp 21 tỉnh, thành phố phía Nam. Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam đã kết nối tự động dữ liệu của 370 trạm quan trắc/20 tỉnh, thành phố.
Theo ông Lê Hoài Nam, nguồn nhân lực, trang thiết bị thực hiện quan trắc môi trường dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn cho công tác quan trắc và trong thời gian tới là dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường. Bộ dữ liệu quan trắc hằng năm chưa được sử dụng hiệu quả tương xứng với kinh phí được đầu tư.
Đồng thời, việc chia sẻ dữ liệu giữa trung ương và địa phương, giữa các địa phương chưa được liền mạch dẫn đến công tác dự báo, cảnh báo có tính liên vùng, liên lưu vực sông gặp nhiều khó khăn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường) trình bày báo cáo tham luận "Tổng quan các quy định pháp luật và hướng dẫn kỹ thuật trong lĩnh vực quan trắc môi trường"; lãnh đạo Cục Bảo vệ môi trường miền Nam trình bày tham luận "Chương trình kiểm soát ô nhiễm, giám sát và quan trắc, cảnh báo môi trường tại các điểm nóng, nhạy cảm môi trường"...
Sau khi nghe đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường giải đáp các thắc mắc của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh việc nâng tầm công tác quan trắc, gắn với dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, năm 2022 là năm bản lề trong việc triển khai các định hướng lớn về môi trường và phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030; là năm đầu tiên triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, thời gian tới, chúng ta cần nâng cao chất lượng công tác quan trắc, giám sát môi trường, nhất là tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ, cung cấp dữ liệu giữa Trung ương với địa phương. Đặc biệt, mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có thể bước đầu cảnh báo và đến năm 2030 có thể dự báo được ô nhiễm môi trường.