Nghệ sĩ opera Thế Tùng Lâm: "Tôi may mắn được đứng trong môi trường sân khấu chuyên nghiệp"
Giải trí - Ngày đăng : 06:02, 22/07/2022
- Từng có 2 năm gắn bó với môi trường nghệ thuật quân đội. Cơ duyên nào đưa anh về Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam?
- Khi còn là sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, tôi quen thầy Mạnh Dũng. Sau khi tôi tốt nghiệp, thầy nói với tôi nên đầu quân cho Nhà hát Nhạc vũ kịch. Tuy vậy, khi mới ra trường, tôi theo định hướng của gia đình nên đã về Đoàn văn công Quân chủng Phòng không - Không quân. Nhưng khao khát được làm nghệ thuật theo cách của mình đã đưa tôi về Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Thầy Mạnh Dũng và NSƯT Trần Ly Ly đã tạo điều kiện cho tôi, từng bước một, từ việc hát trong dàn hợp xướng cho đến đảm nhận một vai diễn chính trong vở nhạc kịch. Dù ở vị trí nào tôi cũng được học hỏi các anh, chị nghệ sĩ rất nhiều về kỹ thuật, tác phong và lối sống.
- Nhạc kịch “Những người khốn khổ” được xây dựng trên quy mô lớn. Không chỉ giới thiệu đến công chúng trong nước một tác phẩm kinh điển của thế giới, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cũng mong muốn bạn bè quốc tế biết đến một tác phẩm “made in Vietnam”. Điều đó hẳn cũng tạo cho anh và các nghệ sĩ nhiều áp lực?
- Cầm trên tay một kịch bản hơn 300 trang, đương nhiên tôi cảm thấy hơi e ngại. Tôi từng tự hỏi: “Mình có làm được không nhỉ?”. Chúng tôi chỉ có 6 tháng để thuộc vở diễn này và lên sân khấu. Chúng tôi chỉ biết tập và tập, liên tục ngày và đêm. Có những hôm ghép nhạc buổi sáng, chúng tôi phải dậy khởi động từ 5h đến 9h mới hát. Và khi được biểu diễn, chúng tôi cảm thấy chương trình rất “trôi”, cảm thấy công sức mà mình bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng.
- Trải nghiệm của anh trong vai Jean Valjean hẳn là khó quên?
- Đây là vở nhạc kịch rất nổi tiếng, được nhiều nhà hát cũng như nhiều thế hệ nghệ sĩ trên khắp thế giới dàn dựng, biểu diễn. Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam chọn diễn vở nhạc kịch này bằng tiếng Anh. Trong quá trình tập luyện, không chỉ tôi mà các anh, chị diễn viên cũng đều cố gắng để vượt qua thử thách về ngoại ngữ. Mới đầu tôi phát âm nghe rất buồn cười, qua không biết bao lần làm đi làm lại tôi mới có thể hoàn thiện vai diễn này.
Bên cạnh đó, vở nhạc kịch này có tuyến nhân vật rất phức tạp. Tôi thủ vai nhân vật Jean Valjean từ lúc trẻ cho đến khi về già với nhiều thăng trầm trong cuộc sống, với những trường đoạn tâm lý khác nhau, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ. Tôi đọc lại tác phẩm “Những người khốn khổ”, sau đó xem các thể loại khác như phim, nhạc kịch của các nước về vai diễn này. Việc nghe và xem cũng như “mưa dầm thấm lâu”, cho tôi một nền tảng tốt để có thể hiểu thêm về nhân vật.
- Mặc dù nhạc kịch “Những người khốn khổ” được công chúng đón nhận một cách rộng rãi nhưng ở khía cạnh diễn xuất của mình, anh còn có điều gì chưa hài lòng?
- Người ta vẫn luôn nói: Người nghệ sĩ không bao giờ được tự thỏa mãn. Tôi cũng vậy, có những khi mình vừa diễn xong thì đã thấy sai rồi. Chỗ nào thấy chưa ổn thì mình phải sửa ngay. Không đêm diễn nào giống đêm nào. Với tôi, qua các đêm diễn, bản thân đã có sự “cải biến” để hoàn thiện hơn. Người diễn viên phải linh hoạt, không nên cố định trong mô típ nào cả. Tôi nhận thấy trong vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”, nhân vật của tôi có những đoạn hát khá cao, nhiều cung đoạn khác nhau nên kỹ thuật thanh nhạc phải đạt đến một tiêu chuẩn nhất định. Mặc dù chúng tôi được hỗ trợ bởi một dàn nhạc sống rất chuyên nghiệp nhưng tôi vẫn nhận thấy đôi khi mình chưa hoàn chỉnh, có những nhịp mình chưa vào một cách chắc chắn.
- Qua những tác phẩm nhạc kịch hay biểu diễn opera thuần cổ điển, các nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đang ngày càng đến gần hơn với khán giả?
- Khi hát opera cổ điển, chúng tôi hát bằng giọng hát thật, phải bung 100% sức của mình. Tôi nhận thấy sự đón nhận của khán giả trong nước đối với các chương trình nhạc kịch hay opera cổ điển rất tích cực. Có nhiều đêm diễn "cháy vé". Tôi không dám so sánh với thành quả mà các nghệ sĩ tên tuổi trên thế giới, những nhà hát có truyền thống lâu đời đã đạt được. Tuy vậy, chúng tôi cảm thấy tự tin hơn sau thành công của nhạc kịch “Những người khốn khổ”, của “Đêm huyền ảo”, điều đó tạo động lực để chúng tôi làm những vở tiếp theo.
- Trân trọng cảm ơn anh!