Gặp mặt 100 nhà giáo là thương binh, thân nhân liệt sĩ
Đời sống - Ngày đăng : 13:07, 22/07/2022
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện nay cả nước có hơn 2.219 nhà giáo là liệt sĩ, trong đó thành phố Hà Nội có 257 nhà giáo là liệt sĩ. Ngoài ra, thành phố Hà Nội còn có 1.010 nhà giáo thuộc diện đối tượng chính sách, gồm 358 nhà giáo là thương binh, 141 nhà giáo là vợ liệt sĩ, 493 nhà giáo là con liệt sĩ và 18 nhà giáo là bố, mẹ liệt sĩ.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương xúc động cho biết: Trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, Hội Cựu giáo chức thành phố và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội luôn quan tâm công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với các nhà giáo là thương binh và thân nhân gia đình liệt sĩ, với mong muốn góp phần bù đắp, sẻ chia phần nào những đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Đây vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của cán bộ, giáo viên trong ngành đối với các thế hệ nhà giáo có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cũng biểu dương các đơn vị, nhà trường thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa đối với các nhà giáo thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và mong rằng hoạt động này sẽ được tiếp tục duy trì, phát huy trong thời gian tới.
Tại cuộc gặp mặt, các đại biểu đã được nghe tâm sự xúc động của nhà giáo là vợ liệt sĩ; những kỷ niệm về những ngày tháng chiến đấu oanh liệt qua câu chuyện kể của các nhà giáo là thương binh...
*Ngày 22-7, đoàn công tác của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đến dâng hương tại khu tưởng niệm liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh và viếng nghĩa trang liệt sĩ 21-10 (tỉnh Thái Bình).
Nghĩa trang liệt sĩ 21-10 là di tích quốc gia - nơi tưởng niệm cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân cùng 30 học sinh lớp 7 của trường cấp 2 Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, bị giặc giết hại vào ngày 21-10-1966. Đoàn công tác gồm lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam và các nhà giáo được trao "Giải thưởng 22-7 - Công đoàn Giáo dục Việt Nam năm 2022".
Ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Dịp 27-7 hằng năm là dịp cả nước kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tri ân các chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc. Năm 2022, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân các gia đình liệt sĩ, thương binh, các nhà giáo, sinh viên đã hy sinh trong cuộc kháng chiến cứu nước.
Các nhà giáo được trao "Giải thưởng 22-7 - Công đoàn Giáo dục Việt Nam năm 2022" đã bày tỏ niềm xúc động khi được đến thăm “địa chỉ đỏ” của ngành Giáo dục, thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, bày tỏ lòng biết ơn những cống hiến to lớn và hy sinh của những thế hệ đi trước với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Hiện nay, ngành Giáo dục Việt Nam có 3 khu tưởng niệm các nhà giáo là liệt sĩ, gồm: Khu tưởng niệm liệt sĩ ngành Giáo dục tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn; khu tưởng niệm liệt sĩ ngành Giáo dục tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh và khu tưởng niệm 21-10 tại tỉnh Thái Bình. Đây là những “địa chỉ đỏ” để ghi nhớ công lao của những nhà giáo đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.