Xóa dự án ''treo'', ổn định cuộc sống người dân
Kinh tế - Ngày đăng : 07:25, 22/07/2022
Thi công chậm, kéo dài, không bảo đảm tiến độ
Khu E, thuộc Khu đô thị Nam thành phố Hồ Chí Minh (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) được quy hoạch từ năm 1992, đến nay đã 30 năm vẫn chưa thực hiện. Bà Trang Thị Ánh (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) cho biết, dự án hình thành từ khi bà chưa sinh con. Đến nay, các con của bà đã lớn và lập gia đình nhưng dự án vẫn còn “treo”, chưa được triển khai thực hiện.
Theo UBND huyện Bình Chánh, qua rà soát hơn 320 dự án đang thực hiện trên địa bàn, có tới 90 dự án hết hiệu lực triển khai. Quyền Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Phạm Văn Lũy cho biết, huyện đã gửi thông báo nhắc nhở các chủ đầu tư. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện, UBND huyện Bình Chánh sẽ đề nghị UBND thành phố thu hồi các dự án này.
Chung “cảnh ngộ” với huyện Bình Chánh, trên địa bàn huyện Củ Chi cũng có nhiều dự án “treo” từ 13 năm đến hơn 20 năm. Đơn cử, dự án Khu công nghiệp Đông Nam dù triển khai hơn 13 năm nhưng người dân bị ảnh hưởng bởi dự án chưa được tái định cư; dự án Khu công nghiệp Bàu Đưng “treo” 14 năm; dự án mở rộng Khu công nghiệp Tây Bắc giai đoạn 2 kéo dài gần 20 năm; dự án Khu công viên Sài Gòn Safari “treo” gần 20 năm…
Còn tại huyện Hóc Môn, nhiều dự án phát triển đô thị được quy hoạch từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp nhưng không thực hiện, khiến đất nông nghiệp bị bỏ hoang, người dân sản xuất nông nghiệp không được, xây nhà ở cũng không xong.
Mới đây, HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện giám sát 32 dự án được HĐND thành phố thông qua nghị quyết cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên, với tổng diện tích hơn 1.843ha. Qua giám sát cho thấy, điểm chung của các dự án trên là thi công chậm, kéo dài và hầu hết đều không hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, mới chỉ có 1/32 dự án được UBND thành phố trình HĐND thành phố Hồ Chí Minh hủy bỏ danh mục thu hồi đất.
Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc
Trước tình trạng nhiều dự án "treo", chưa được triển khai, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Thị Thanh Diệu đề xuất, UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát lại các dự án, tiến độ thực hiện, tính khả thi của các quy hoạch trong thực tiễn. “Nếu dự án “treo” không thực hiện, đề nghị xóa quy hoạch, thu hồi quyết định đầu tư để trả lại quyền sử dụng đất cho người dân”, bà Nguyễn Thị Thanh Diệu đề nghị.
Còn Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hóc Môn Trần Văn Khuyên đề nghị tăng cường giám sát về công tác quản lý quy hoạch, rà soát các dự án tồn đọng kéo dài để tìm nguyên nhân, từ đó xem xét xóa quy hoạch “treo” hoặc thu hồi dự án không khả thi.
Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết đã đề nghị UBND thành phố kiên quyết điều chỉnh quy hoạch, hủy bỏ các dự án không hiệu quả ra khỏi kế hoạch sử dụng đất hằng năm.
Về phía UBND thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án, trong đó có việc thành lập các tổ công tác chuyên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án. Thành phố tập trung sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, đồng thời huy động các nguồn lực từ bên ngoài nhà nước nhằm bảo đảm năng lực tài chính thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, triển khai các dự án đã được phê duyệt.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương tập trung tháo gỡ 647 đầu việc còn vướng mắc tại các địa phương, đơn vị, trong đó có những nội dung liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng. Hiện thành phố cũng đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của các quận, huyện và công khai kế hoạch sử dụng đất để người dân giám sát tiến độ triển khai thực hiện. Về xóa các dự án “treo”, hiện thành phố đang xem xét đưa ra khỏi quy hoạch 3 khu công nghiệp “treo” trên 10 năm là Khu công nghiệp Bàu Đưng, Khu công nghiệp Phước Hiệp ở huyện Củ Chi; Khu công nghiệp Xuân Thới Thượng ở huyện Hóc Môn.
Người đứng đầu chính quyền thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, để các dự án có sử dụng đất triển khai đúng tiến độ, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư phải có sự đồng thuận của người dân bị ảnh hưởng. Thành phố bảo đảm người dân có đất bị thu hồi có cuộc sống, sinh kế bằng hoặc tốt hơn, qua đó giúp khai thông các dự án đang bị ách tắc, triển khai theo đúng tiến độ đề ra.