Nông thôn, ngoại thành Hà Nội: Nhiều nơi vẫn ''khát'' nước sạch

Xã hội - Ngày đăng : 05:30, 23/07/2022

(HNNN) - Trong khi ở nội thành, hệ thống nước sạch đã được cấp đến 100% hộ dân thì tại nhiều vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội, người dân vẫn chưa được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung. Nguyên nhân là nhiều nhà đầu tư đã được thành phố chấp thuận chủ trương nhưng vẫn chưa triển khai hoặc chậm triển khai dự án... Bên cạnh đó, còn một số địa phương chưa có nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án nước sạch...

Người dân xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) đang phải dùng nước giếng khoan trong sinh hoạt.

Dự án chậm triển khai, nhiều xã chưa có nước sạch

Là xã ven đô, giáp với nội thành Hà Nội nhưng những năm qua, người dân ở xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, vẫn chưa được sử dụng nước sạch. Để có nước sinh hoạt, mỗi hộ gia đình phải khoan giếng. Tuy nhiên, nước giếng khoan thường có váng màu vàng, mùi tanh nên các gia đình phải xây bể lọc, bể lắng để có nước dùng trong sinh hoạt; riêng  nước ăn uống thì cần mua thêm máy lọc nước mini. Tình trạng trên cũng xảy ra tại 8 xã ven sông của huyện Đan Phượng là Liên Trung, Liên Hồng, Hồng Hà, Trung Châu, Hạ Mỗ, Thọ Xuân, Thọ An.

Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng Phạm Văn Khôi cho biết: Trên địa bàn huyện có 2 dự án nước sạch được thành phố phê duyệt là Dự án nhà máy nước mặt sông Hồng và Dự án xây dựng mạng lưới cấp nước sạch cho 8 xã Liên Trung, Liên Hồng, Liên Hà, Hồng Hà, Hạ Mỗ, Trung Châu, Thọ Xuân, Thọ An. Tuy nhiên, cả 2 dự án này đều có tiến độ triển khai chậm so với lộ trình được phê duyệt.

Tương tự, trên địa bàn huyện Đông Anh hiện còn 4 xã Liên Hà, Vân Hà, Bắc Hồng, Thụy Lâm và một phần các xã Việt Hùng, Cổ Loa, Nam Hồng chưa được cấp nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung của thành phố. Các xã này thuộc phạm vi Dự án đầu tư phát triển mạng lưới phân phối nước sạch được UBND thành phố giao liên danh Công ty Aqua One-Sông Đuống thực hiện (tại Quyết định số 3846/QĐ-UBND ngày 24-6-2017), thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2017 - 2020 nhưng đến nay đã quá hạn mà dự án vẫn chưa hoàn thành.

Đó cũng là khó khăn chung của huyện Sóc Sơn khi trên địa bàn huyện có 18 xã chưa được cấp nước sạch. Các xã này cũng nằm trong phạm vi Dự án đầu tư phát triển mạng lưới phân phối nước sạch được UBND thành phố giao liên danh Công ty Aqua One - Sông Đuống thực hiện (tại Quyết định số 3846/QĐ-UBND ngày 24-6-2017).

Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, thành phố còn 160 xã chưa được đầu tư hệ thống cấp nước sạch tập trung, trong đó có 132 xã đã có dự án giao cho nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện và 28 xã chưa có nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án. Trong số 132 xã đã giao dự án cho nhà đầu tư, có 115 xã quá thời hạn hoàn thành dự án nhưng nhà đầu tư chưa thực hiện và chưa đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định.

Cụ thể, 110 xã thuộc 2 dự án phát triển mạng cấp nước đã được UBND thành phố giao Liên danh Aqua One - Sông Đuống thực hiện giai đoạn 2017-2020 chưa triển khai; 5 xã của huyện Phúc Thọ có 2 dự án cấp nước sạch giao cho Công ty Cổ phần Kỹ thuật môi trường Việt và Công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn thiết kế công trình xây dựng Việt Nam thực hiện từ năm 2017 - 2018 nhưng cũng chưa triển khai. Ngoài ra, còn 17 xã có dự án cấp nước tập trung tại các huyện Đan Phượng, Ba Vì, Phú Xuyên, Chương Mỹ đã giao nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Cấp nước Tây Hà Nội; Liên danh Công ty Cổ phần Ao Vua và Công ty Cổ phần Cấp thoát nước và Môi trường Ba Vì; Công ty Cổ phần Cấp nước Hà Nam; Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai thực hiện nhưng tiến độ còn chậm.

Nhà máy nước mặt sông Hồng chậm tiến độ, gây ảnh hưởng đến việc cấp nước sạch cho người dân trong khu vực.

Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ

Việc chưa có nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung để sử dụng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân nông thôn. Tại hội nghị đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy Đan Phượng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội của huyện và đại diện nhân dân trên địa bàn diễn ra đầu tháng 6-2022, một trong những nội dung nhận được nhiều kiến nghị đó là nước sạch cho người dân nông thôn. Đại diện người dân các xã Liên Hà, Liên Hồng, Trung Châu... đề nghị lãnh đạo huyện sớm chỉ đạo và có giải pháp để đưa nước sạch về các xã, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng để người dân được sử dụng.

Theo ông Phạm Văn Khôi, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng: Huyện kiến nghị thành phố quan tâm chỉ đạo các chủ đầu tư 2 Dự án: Nhà máy nước mặt sông Hồng và Dự án mạng lưới cung cấp nước sạch 8 xã huyện Đan Phượng triển khai dự án đảm bảo đúng tiến độ được phê duyệt và chỉ đạo các sở, ngành, các đơn vị cấp nước đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, xây dựng phương án đấu nối nguồn nước từ nhà máy nước mặt sông Hồng để thay thế cho nguồn nước ngầm.

Là huyện có dự án phát triển mạng cấp nước đã được UBND thành phố giao Liên danh Aqua One - Sông Đuống thực hiện giai đoạn 2017-2020 nhưng chưa triển khai, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh kiến nghị thành phố có giải pháp “mạnh” đối với các chủ đầu tư chậm tiến độ hoặc không triển khai dự án. Đồng thời, huyện đề xuất thành phố lựa chọn chủ đầu tư có năng lực triển khai các dự án cấp nước nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để hoàn thành chỉ tiêu về tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cấp nước sạch 100% vào năm 2025, Sở Xây dựng đã có công văn đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện. Từ cuối tháng 2, đầu tháng 3-2022, Sở Xây dựng đã chủ trì làm việc với UBND 12 huyện có các xã chưa được cấp nước sạch và các chủ đầu tư dự án cấp nước trong khu vực để tìm ra những hạn chế, khó khăn và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Cuối tháng 3-2022, Sở Xây dựng đã báo cáo UBND thành phố về kết quả rà soát những hạn chế, khó khăn và đề xuất giải pháp hoàn thành chỉ tiêu cấp nước đến năm 2025.

Mới đây, ngày 10-6-2022, Sở Xây dựng tiếp tục có báo cáo gửi UBND thành phố về việc điều chỉnh, thu hồi các dự án UBND thành phố đã giao nhà đầu tư thực hiện nhưng chưa triển khai. Cụ thể, Sở Xây dựng đề nghị UBND thành phố giao cho Sở Xây dựng tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị đã được UBND thành phố giao chủ đầu tư các dự án cấp nước đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án nhằm tăng tỷ lệ bao phủ mạng cấp nước khu vực nông thôn.

Sở Xây dựng cũng đề nghị thành phố giao cho Sở tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện các dự án và chủ trì tổ thức thực hiện điều chỉnh, thu hồi các dự án chậm hoặc không triển khai; tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định. Bên cạnh đó, Sở đề nghị thành phố chỉ đạo các nhà đầu tư đang cấp nước trong khu vực tiếp giáp dự án phối hợp với UBND các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Đông Anh hoàn thiện hồ sơ đề xuất phương án cấp nước để cơ quan chức năng xem xét, thẩm định.

Có thể thấy, việc chậm triển khai thực hiện các dự án nước sạch nông thôn kéo dài cần được xem xét kỹ lưỡng, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để không chỉ giúp thành phố hoàn thành mục tiêu cấp nước sạch nông thôn mà còn đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

Bài và ảnh: Minh Phú