Thả lỏng đi nào!
Thể thao - Ngày đăng : 07:06, 23/07/2022
Hơn ba chục năm đã trôi qua kể từ SEA Games lần thứ 15 (năm 1989, tại Malaysia), các vận động viên Việt Nam đã tạo ra một bước tiến dài về thành tích, tới nay đã vững vàng xác lập vị trí của một nền thể thao hàng đầu khu vực. Từ những năm đầu mới quay trở lại sân chơi thể thao Đông Nam Á với những tấm huy chương giành được chủ yếu ở các môn võ thuật, bắn súng, thể thao Việt Nam dần chứng tỏ khả năng giành “vàng” ở nhiều môn có trong danh sách thi đấu tại Olympic như điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, xe đạp, đấu kiếm... Riêng với bóng đá - môn thể thao vua, các tuyển thủ Việt Nam giờ đang ở đỉnh cao khu vực Đông Nam Á một cách vững vàng. Điểm qua như thế để thấy rằng, qua 17 kỳ SEA Games kể từ năm 1989 ấy, dù chỉ có hai lần giành vị trí thứ nhất toàn đoàn nhưng thể thao Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng kể, tạo nền móng khá vững để dần thực hiện mục tiêu dứt khoát tiến ra sân chơi châu Á và sau nữa là Olympic.
Xác định cách tiếp cận vấn đề nói trên để quay trở lại xem xét kỳ SEA Games 32 diễn ra tại Campuchia vào năm sau, một sự kiện đang ít nhiều khiến nhà quản lý thể thao lo lắng bởi nước chủ nhà đã không lựa chọn một số nội dung thế mạnh của chúng ta, chắc chắn gây ảnh hưởng tới vị trí trên bảng xếp hạng toàn đoàn của đoàn thể thao Việt Nam. Số huy chương mà đoàn thể thao Việt Nam giành được có thể sẽ ít đi, sự cạnh tranh khốc liệt hơn, nhưng chúng ta không nên để điều đó ảnh hưởng tới tâm thế nhập cuộc của mình. Đơn giản bởi mục tiêu lớn nhất lúc này không còn là tổng số huy chương giành được, mà là vận động viên Việt Nam có bước tiến lớn ở những môn thi Olympic hay không.
Thế nên, hãy thả lỏng mình trước sức ép thành tích toàn đoàn để tập trung cho mục tiêu tiến mạnh “ra biển lớn”.