Hà Nội đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:41, 29/08/2022

(HNM) - Trên cơ sở quy hoạch chung thành phố Hà Nội đã được phê duyệt, các địa phương đang đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất hướng tới một nền nông nghiệp hàng hóa, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường Thủ đô. Đồng thời, góp phần thúc đẩy các mô hình nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, bền vững, nâng cao đời sống cho người nông dân…

Xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) có 20 mô hình du lịch nông nghiệp, làng nghề, sinh thái thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm.

Tạo nền tảng cho nông nghiệp Thủ đô

Theo quy hoạch, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) sẽ phát triển du lịch sinh thái dựa vào thế mạnh làng nghề sinh vật cảnh. Với định hướng đó, xã đã tập trung xây dựng hạ tầng giao thông, các mô hình nông nghiệp trải nghiệm phục vụ du lịch… Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết: “Năm 2018, Hồng Vân được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề. Nhận thấy hiệu quả của mô hình này, xã đã triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch xanh. Đến nay, Hồng Vân đã có 20 mô hình du lịch nông nghiệp, làng nghề, sinh thái thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm…”.

Về quy hoạch phát triển vùng sản xuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản thông tin, Thường Tín đã có quy hoạch đối với từng xã. Việc phát triển nông nghiệp trên địa bàn không chỉ đơn thuần là trồng cây gì, nuôi con gì mà là phát triển các lĩnh vực phụ trợ, phát triển nông nghiệp trong lòng đô thị. Cùng với những vùng sản xuất chính, huyện đã quy hoạch các vùng trang trại tổng hợp, vùng nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch. Đây là nền tảng để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại.

Hiện tại, Thường Tín đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa với diện tích 1.745ha tại các xã: Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên…; vùng sản xuất rau an toàn 545ha tại các xã: Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng nuôi trồng thủy sản với diện tích 1.159ha tại các xã: Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến... Từ các vùng sản xuất, Thường Tín đã hình thành được 14 mô hình liên kết chuỗi, 15 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tương tự, xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, huyện Thanh Oai đã quy hoạch được nhiều vùng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, từ quy hoạch vùng sản xuất, huyện đã duy trì, phát huy thế mạnh của vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung hơn 3.000ha, vùng trồng cây ăn quả 300ha, vùng rau an toàn 100ha; đồng thời phát triển các chuỗi liên kết trong trồng trọt, chăn nuôi… qua đó nâng cao giá trị sản phẩm.

Quy hoạch phát triển sản xuất phù hợp với thực tế địa phương là nền tảng tạo nên thành công. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, Hà Nội đã chuyển đổi được hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Trong đó, có 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung đã thực hiện 37 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng với diện tích 2.080,9ha; 3.150 trang trại, trong đó có 130 trang trại ứng dụng công nghệ cao; 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh với diện tích 5.300ha.

Mở rộng liên kết, kết nối

Để quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với điều kiện phát triển của Thủ đô, PGS.TS Trần Trọng Phương, Phó Trưởng khoa Quản lý đất đai (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, quy hoạch vùng sản xuất của Hà Nội cần tuân thủ tiêu chí phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng nông nghiệp đô thị - sinh thái kết hợp với phát triển du lịch và chú trọng bảo vệ môi trường, gìn giữ các vành đai xanh. Đồng thời, phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, hàng hóa lớn, chuyên canh tập trung.

Nói về quy hoạch vùng sản xuất của Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, thành phố sẽ tập trung phát triển tại các vùng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với cây trồng chủ lực là rau, đậu, cây ăn quả, hoa và cây cảnh; đồng thời khai thác có hiệu quả diện tích đất bãi sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Đuống để tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng trang trại gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Cùng với đó, phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, hình thành các trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Hà Nội cũng sẽ hình thành các cụm nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy chế biến nông sản…

Để quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao trên thực tế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thông tin, quy hoạch vùng sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái bền vững có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình đô thị hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Do đó, thành phố sẽ tăng nguồn ngân sách để chi thực hiện các chương trình, đề án, dự án của ngành Nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng vùng chuyên canh, lồng ghép trong các chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, thúc đẩy việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp, xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao...

Đỗ Minh