Sức hút của thư viện tư nhân, tủ sách cộng đồng
Văn hóa - Ngày đăng : 05:55, 23/07/2022
Những năm gần đây, ngành Xuất bản phát triển khá mạnh, giúp ích nhiều cho sự phát triển văn hóa đọc. Thành quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống thư viện, trong đó có các thư viện tư nhân, tủ sách cộng đồng. Ở Hà Nội, về mô hình này, không thể không nhắc tới thư viện Dương Liễu.
Thư viện Dương Liễu (Hoài Đức) do anh Nguyễn Bá Lương thành lập từ năm 2013. Không kể đến hàng nghìn đầu sách thuộc nhiều thể loại phù hợp với các lứa tuổi, thư viện Dương Liễu còn có nhiều hoạt động bổ trợ để thu hút các em nhỏ đến thư viện thường xuyên, từ đó tạo dựng thói quen đọc mỗi ngày.
Trong thời đại số, sách không phải là kênh thu hút độc giả nhỏ tuổi nếu so với các phương tiện giải trí khác như tivi, smartphone, máy tính bảng, trong khi không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện và đủ thông tin để thường xuyên mua được những cuốn sách phù hợp với con em mình. Các thư viện lớn của thành phố tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn và có số đầu sách vô cùng phong phú, nhưng khoảng cách là một trong những khó khăn khiến không phải ai cũng dễ dàng đến thư viện thường xuyên. Bởi những lẽ đó, sự ra đời của thư viện tư nhân, tủ sách cộng đồng trong các khu dân cư đã thu hút người dân, nhất là những người cao tuổi và em nhỏ mê đọc sách.
Chị Vũ Phương, biên tập viên của NXB Phụ nữ chia sẻ về tủ sách cộng đồng tại chung cư Hateco Hoàng Mai, nơi chị đang sống: “Khi tôi san sẻ sách từ tủ sách gia đình với tủ sách của cộng đồng, tôi được gặp những người bạn sẵn sàng mang cây xanh, máy tính nhà mình xuống để trang trí thư viện. Tôi được gặp những chị tự nguyện đón con và trông con hàng năm trời cho hàng xóm chỉ vì mong bọn trẻ có bạn chơi. Thật vui vì sự đồng lòng ủng hộ của Ban quản trị và Ban quản lý, nhóm quản lý vận hành thư viện ngày càng có nhiều thành viên tự nguyện tham gia. Từ các bác về hưu đến các cô giáo mầm non... đều nhiệt tình tham gia hỗ trợ. Những người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng ấy ai nấy đều hạnh phúc khi thư viện vừa mở cửa đã đón rất đông bạn nhỏ tới đọc sách. Số sách của thư viện có được nhờ sự quyên góp tự nguyện của cư dân tòa nhà, rất nhanh số lượng đã lên đến vài nghìn cuốn, từ sách kinh tế, văn hóa, văn học, giáo dục, truyện tranh đến sách hướng dẫn nữ công gia chánh... Đặc biệt, sách thiếu nhi chiếm số lượng lớn”.
Phòng sinh hoạt cộng đồng của tòa nhà đã trở thành địa chỉ văn hóa của toàn thể cư dân, đặc biệt là người về hưu và thiếu nhi. “Ngày thường các cụ có thể xuống thư viện đọc sách, đánh cờ... Cuối tuần các cháu thiếu nhi tới tìm truyện, giao lưu kết bạn; các mẹ ai có hiểu biết ở lĩnh vực nào đều có thể đăng ký tổ chức sự kiện chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực đó. Tất cả tự nguyện cùng nhau xây dựng một cộng đồng cư dân đáng sống” - chị Phương cho biết.
Bên cạnh các thư viện tư nhân, tủ sách cộng đồng phục vụ đa dạng đối tượng độc giả, hiện đã có những tủ sách chuyên biệt. Như kiến trúc sư Hương Vũ đã ra mắt Thư viện Kiến trúc, nghệ thuật Đà Lạt tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Đó là nơi trưng bày các đầu sách chất lượng cao về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa, lịch sử, triết học, đồng thời thư viện cũng tổ chức các không gian nghiên cứu, trao đổi thông tin tại chỗ, tổ chức các hội thảo chuyên ngành... Hay tại Đà Nẵng, gia đình của cố nhà thơ, nhà văn Hoàng Minh Nhân đã thành lập thư viện Olive Gallery với hàng nghìn đầu sách và hơn một nghìn bức tranh. Còn ở Hà Nội, thư viện mà ca sĩ, nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý thực hiện - phòng đọc Little Li có các đầu sách triết học, văn học, nghệ thuật, lịch sử, thần học...
Lê Cát Trọng Lý chia sẻ: “Đây là dự án phục vụ cộng đồng mà Lý muốn làm từ rất lâu rồi, giờ mới có cơ hội thực hiện cùng các bạn và các em của mình. Dự án sẽ khởi động với điểm đầu tiên tại Hà Nội, số 1B Lê Phụng Hiểu”. Lý do thúc đẩy Lý đến với dự án thư viện là: “Nhà sách thì có nhiều nhưng có quá nhiều sách và người chưa có thói quen đọc sách sẽ phải ngụp lặn trong đó. Ở thư viện nhỏ này, sách đã được tuyển chọn. Ở đó, mọi người đã được giới thiệu sách theo thư mục. Ai cũng tin rằng đọc sách là tốt, nhưng không dễ để có văn hóa đọc và có cộng đồng bạn đọc cùng. Lý muốn tạo dựng cộng đồng nhỏ như thế”.
Có những cuốn sách sâu sắc mà sau khi đọc cần thực hành, cần chuyên gia trong lĩnh vực liên quan chia sẻ ý kiến, Lê Cát Trọng Lý muốn phòng đọc của mình có thể tổ chức những hoạt động như thế. Không gian của phòng đọc Little Li khá nhỏ, không có quá nhiều sách, bởi vậy Lê Cát Trọng Lý bày tỏ “chỉ mong có thêm nhiều người đọc lặng lẽ và thích đọc một cách giản dị” thay vì đến chơi hay chụp ảnh.