Để nối vòng tay lớn
Sách - Ngày đăng : 05:35, 23/07/2022
Nhà thơ nhớ lại: “Đó là đêm đầu tiên con quái vật có tên là chiến tranh bước vào đời tôi. Và nó không bao giờ bước ra nữa. Nó theo tôi trong từng lúc từng phút như chính hơi thở của tôi... Từ đêm đó, thằng bé hồn nhiên trong tôi đã ra đi vĩnh viễn. Tôi biết buồn và lo âu quá sớm. Năm đó, tôi vừa lên năm”.
Dày hơn 200 trang, cuốn sách “Hai bên chiến tuyến” gồm 13 truyện ngắn và ký, ở đó là những câu chuyện về chiến tranh mà do hoàn cảnh đưa đẩy những gia đình có anh em, bà con ruột thịt, hàng xóm, bạn bè tham gia chiến trận ở hai chiến tuyến. Còn gì đau đớn và ám ảnh bằng việc những gia đình bị tan nát, xáo trộn bởi lằn ranh chiến tuyến, tác động đến cuộc sống và tình cảm của họ. Như bà má Sáu trong “Má ơi, chúng con đã về” bị mất ngủ thường xuyên. Không mất ngủ sao được khi mỗi tiếng súng cối từ đồn bắn ra phía bưng lại như tiếng nổ “thốc vào tim má”. Trong đồn là thằng Hai làm việc, ngoài bưng là nơi thằng Ba hoạt động. Nhiều đêm chúng cùng về mà anh em tránh mặt, anh ở trên gác, em chui xuống hầm, chỉ có má trong đôi mắt trũng sâu “là nỗi cô đơn diệu vợi”.
Hay câu chuyện của hai anh em Long và Phụng ở “Hai bên chiến tuyến”. Họ rất thương yêu nhau, nhưng phục vụ cho hai phía đối lập thì lúc đối đầu trên chiến trường ác liệt biết hành động ra sao. Phải chăng nỗi đau lớn lao và sự sợ hãi giằng xé trong lòng về tính mạng của người thân đã khiến anh lính biệt động hé lộ bí mật để giúp anh trai tránh trận càn; còn anh giải phóng quân lại có lúc quyết định án binh bất động và cho quân tìm đường rút vào rừng bởi đầu muốn vỡ tung khi nhận ra người em trai đi đầu trong tốp lính đang lọt vào trận địa phục kích.
Còn trong “Câu chuyện dưới hầm”, viên thiếu úy Vinh đã chọn cách im lặng để che giấu người du kích tên Phú đang trốn dưới hầm, để rồi sau ngày hòa bình, người chịu ơn còn nuôi giấc mơ gặp ân nhân để nói lời cảm ơn.
Nhà giáo, nhà nghiên cứu lý luận phê bình Huỳnh Như Phương nhận xét: “Mặc dù là nhà thơ lâu năm trước khi viết truyện, Từ Nguyên Thạch không đem chất thơ phả sương mù làm nhòa đi sự dữ dội của chiến tranh. Tuy nhiên, bên cạnh những thảm kịch kết thúc một cách đau đớn như chuyện tình ngang trái của Hoa và Doan ("Chạy trốn"), tình cảnh bi đát của gia đình Vinh và Hải ("Chiếc xe đạp trúng thưởng") và số phận bất hạnh của o The ("O The"), ngòi bút Từ Nguyên Thạch đã an ủi chúng ta với những cái kết có hậu trong “Đá nở hoa”, “Mùi củ cải trắng”, “Đôi nạng gỗ đi qua thành phố”. Con người không thể thiếu hy vọng để mà sống, huống chi đó không phải là trí tưởng tượng lãng mạn mà là một khía cạnh của chính sự thật cuộc đời”.
Thật vậy, “Hai bên chiến tuyến” được viết ra với ước muốn gửi thông điệp hòa hợp, hòa giải dân tộc và khép lại vết thương chiến tranh, để xoa dịu và chữa lành như tác giả tâm sự: “Khi viết về chiến tranh là tôi muốn xóa đi chiến tranh, nối vòng tay lớn của dân tộc mà đi tới tương lai”.