Để dịch vụ công trực tuyến đến gần với người dân
Cải cách hành chính - Ngày đăng : 06:21, 23/07/2022
Gặp khó khi sử dụng dịch vụ
Vừa qua, bà Trần Thị Thanh Thủy (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) đến UBND quận Ba Đình làm thủ tục trích lục giấy khai tử cho bố đẻ đã mất từ năm 1982. Cán bộ “một cửa” quận Ba Đình hướng dẫn bà Thủy đăng ký thủ tục tại máy kê khai tự động đặt ở sảnh nhưng bà Thủy không biết cách làm. Do đó, cán bộ “một cửa” phải kê khai thay bà Thủy. Bà Thủy cho biết, nhiều quy trình, quy định thao tác trên mạng internet khiến bà rất khó hiểu, nhìn vào các giao diện, bà không biết phải thực hiện thế nào...
Trong khi đó, bà Trần Thị Gan (phường Khâm Thiên, quận Đống Đa) muốn làm lại giấy khai sinh cho người sinh trước năm 1955 nhưng cũng không thể tự kê khai trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến vì bà không có điện thoại thông minh để chụp ảnh, gửi kèm giấy tờ cần thiết. Bà Trần Thị Gan kể: "Cán bộ tư pháp phường Khâm Thiên phải giúp tôi làm toàn bộ thủ tục. Trong khi đó, ngay cả nhiều người trẻ tuổi với khả năng thao tác trên thiết bị kỹ thuật số thành thạo cũng gặp khó khi tiếp cận dịch vụ công trực tuyến vì không hiểu hết quy trình...".
Còn với thực tế của bản thân, chị Đặng Thu Hằng (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) băn khoăn: "Tôi không hiểu vì sao kế toán công ty tôi làm không thể đăng ký mã số thuế trực tuyến cho tôi. Họ bảo tôi phải đến chi cục thuế nơi tôi ở để làm trực tiếp. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực khi triển khai dịch vụ công trực tuyến như lĩnh vực xây dựng, tài nguyên môi trường… yêu cầu nhiều hồ sơ kỹ thuật phức tạp với dung lượng lớn cần hạ tầng thiết bị máy móc hiện đại và đường truyền mạng tốt mới tải lên mạng được cũng là nguyên nhân gây khó khăn đối với người dân, tổ chức, doanh nghiệp, khiến nhiều người vẫn làm các thủ tục trực tiếp như trước đây”.
Hà Nội có hơn 8,5 triệu dân và 335.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động nên nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính hằng ngày rất lớn. Vì vậy, việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến là bước tiến mới trong phục vụ người dân, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân về nhiều mặt. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những khó khăn nhất định, nhất là với người cao tuổi chưa quen với thao tác trên mạng internet, không dùng điện thoại thông minh..., nên đòi hỏi những giải pháp hiệu quả hơn...
Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ
Nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả trong công tác cải cách hành chính, cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của cơ quan nhà nước, từ tháng 7-2022 phường Vĩnh Phúc đã triển khai mô hình “5 thủ tục - 5 giải quyết tại chỗ” gồm chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký, đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử. Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc Nguyễn Anh Dũng cho biết, thời gian tới, UBND phường sẽ tiếp tục xây dựng, vận hành điểm kê khai đăng ký dịch vụ công trực tuyến tại Nhà sinh hoạt cộng đồng ở địa bàn dân cư số 13, vì đây là khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư của phường. Tại đây, cán bộ UBND phường cùng lực lượng Đoàn Thanh niên phường sẽ bố trí cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký dịch vụ công trực tuyến, từng bước tạo thói quen ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính, giúp giảm thời gian đi lại của công dân.
Nắm bắt những khó khăn của người dân trong quá trình thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà thông tin, cùng với việc tiếp tục triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, UBND quận đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các phường xây dựng quy trình nội bộ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đối với các dịch vụ hành chính công thuộc thẩm quyền. Bên cạnh đó, quận tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết để giải quyết thủ tục hành chính mức độ cao theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, để cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, cơ quan nhà nước phải xuất phát từ nhu cầu, lợi ích và trải nghiệm của người dân. Người dân chỉ sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi được tiếp cận dịch vụ dễ dàng và có kỹ năng, thiết bị, có động lực sử dụng. Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan nhà nước sẽ rà soát thủ tục, tạo điều kiện tối đa giúp người dân dễ dàng truy cập, nâng cao kiến thức, kỹ năng số cho người dân để họ chủ động sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cũng như có các chính sách để khuyến khích, tạo động lực cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.