Làm tốt hơn nữa chính sách với người có công
Xã hội - Ngày đăng : 06:30, 24/07/2022
Tri ân bằng những việc làm thiết thực
- Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ông có thể chia sẻ đôi điều về công tác chăm sóc người có công trên địa bàn Thủ đô thời gian qua?
- Chăm lo cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng vừa là đạo lý, vừa là bổn phận, trách nhiệm, thể hiện tình thương yêu đồng chí, đồng bào của mỗi người dân Việt Nam. Đây là việc làm thường xuyên, liên tục, chứ không phụ thuộc vào kỳ cuộc. Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ là lúc chúng ta nhắc nhớ nhiều hơn sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ, các thương, bệnh binh, người có công; gửi tình cảm trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc tới những người đã không quản gian khổ, hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, sự thống nhất, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Hướng tới dịp 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Hà Nội là một trong những đơn vị sớm ban hành kế hoạch và triển khai tổ chức các hoạt động kỷ niệm, tri ân người có công bằng nhiều việc làm thiết thực. Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết 10.060 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với kinh phí khoảng 41,2 tỷ đồng. Đến nay, thành phố đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp 6 tháng đầu năm cho 81.748 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với số tiền 910 tỷ đồng; chi điều dưỡng người có công 35 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần 60 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán 2022, toàn thành phố đã trao tặng 1.918.779 suất quà cho các đối tượng chính sách, bao gồm người có công, với tổng kinh phí gần 725 tỷ đồng, góp phần giúp người có công được đón Tết, vui xuân trong không khí phấn khởi, đầm ấm...
- Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, thành phố đã có những hoạt động tri ân nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ như thế nào, thưa ông?
- Dịp này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tổ chức các đoàn đại biểu thành phố đi thăm viếng và dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia, các nghĩa trang có phần mộ liệt sĩ Hà Nội tại các tỉnh và địa phương để tri ân và tưởng nhớ đến công lao của các Anh hùng liệt sĩ đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đặc biệt, từ ngày 8 đến 12-7, Thường trực Thành ủy, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã tổ chức Đoàn đại biểu thành phố công tác, làm việc với 2 tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình và dâng hương, thăm các nghĩa trang liệt sĩ, di tích cách mạng tại một số tỉnh miền Trung. Đoàn công tác thành phố đã trao tặng hỗ trợ 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, mỗi tỉnh 3 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Các quận, huyện, thị xã cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ trên địa bàn; xây dựng kế hoạch tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ…
- Xin ông cho biết, trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa, đâu là những điểm nhấn Hà Nội đã đạt được thời gian qua?
- Điểm nhấn quan trọng là chúng tôi đã tích cực kêu gọi các tầng lớp nhân dân hưởng ứng cuộc vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phát động và Thư kêu gọi xây dựng, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa thành phố Hà Nội năm 2022 đạt kết quả tốt.
Tính đến hết tháng 6-2022, toàn thành phố đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 26,73 tỷ đồng, đạt 115,2% kế hoạch. Thành phố cũng đã thực hiện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 230 hộ gia đình người có công, đạt 107% kế hoạch năm, với kinh phí 7,49 tỷ đồng; tặng 2.403 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí 5,15 tỷ đồng, đạt 79,5% kế hoạch năm...
Tham mưu và thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công
- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ nhiệm vụ: Phải thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách đối với người có công. Ông có thể cho biết Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã và đang triển khai nhiệm vụ này như thế nào?
- Sở đã sớm có hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã về thực hiện chính sách người có công theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; tích cực triển khai hướng dẫn thực hiện kế hoạch điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng năm 2022, Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24-7-2021 quy định mức trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Thời gian tới, chúng tôi tập trung xây dựng và hoàn thiện 3 chính sách đặc thù thực hiện chế độ đối với người có công để tham mưu UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm, bao gồm: Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng nâng cao mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; Nghị quyết quy định nội dung và mức tặng quà của thành phố Hà Nội tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Ngày Quốc khánh 2-9…
- Từ nay đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Hà Nội sẽ tổ chức các sự kiện nào, thưa ông?
- Chúng tôi đang tập trung triển khai kế hoạch tổ chức hội nghị gặp mặt, biểu dương người có công tiêu biểu của thành phố. Đồng thời, tích cực phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ kỷ niệm và gặp mặt đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2022; hướng dẫn, đôn đốc các quận, huyện, thị xã triển khai công tác thăm hỏi, tặng quà người có công, bảo đảm đúng quy định.
- Trân trọng cảm ơn ông!