Trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên: Không thể coi nhẹ!
Giáo dục - Ngày đăng : 05:36, 24/07/2022
Kỹ năng quan trọng nhưng chưa được coi trọng
Trong xã hội hiện đại, kỹ năng mềm ngày càng được đánh giá cao. Rất nhiều nhà tuyển dụng xem trọng những kỹ năng này và coi đó là yêu cầu tuyển dụng quan trọng. Anh Lê Ngọc Quang, Trưởng phòng Quản lý nhân sự, Công ty TNHH Công nghệ Việt (đường An Dương Vương, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: Kỹ năng mềm là tổng hợp các kỹ năng giúp con người tư duy và tương tác để phục vụ cho công việc, cuộc sống. Kỹ năng mềm chủ yếu là những kỹ năng liên quan tới tính cách con người, không mang tính chuyên môn, không thể sờ nắm nhưng là yếu tố quyết định bạn có thành công hay không. Thực tế cho thấy, người thành đạt chỉ có 25% là nhờ kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi kỹ năng mềm mà họ được trang bị.
Theo anh Quang, nhiều sinh viên sau khi đã ra trường, mặc dù rất tự tin với kiến thức mà họ đã được trang bị ở giảng đường đại học, tuy nhiên họ vẫn bối rối với môi trường làm việc tại doanh nghiệp. Có những sinh viên học rất tốt trong trường đại học nhưng khi làm việc lại gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, việc trang bị kỹ năng mềm là vô cùng quan trọng đối với mỗi sinh viên. Về cơ bản, nó không phải là một thứ mà các bạn sinh viên có thể học được qua sách vở, đó là khả năng ứng xử, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, lãnh đạo, làm việc nhóm... được góp nhặt từ cuộc sống, kinh nghiệm của mỗi người. Thực tế cho thấy, hầu hết các nhà tuyển dụng đều rất coi trọng kỹ năng mềm của ứng viên và xem đây là tiêu chí hàng đầu để đánh giá nhân lực.
Em Trần Mạnh Chiến, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội hào hứng chia sẻ: “Trước đây, em là người khá nhút nhát, ngại giao tiếp nhưng sau khi được học và hiểu thêm về kỹ năng mềm, em đã tự tin hơn. Qua sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy cô cùng với những trải nghiệm thực tế khi tham gia thuyết trình, phản biện trên lớp, cùng nhau làm việc theo nhóm..., giờ đây em đã có thể mạnh dạn nói trước đám đông, không ngại đưa ra quan điểm cá nhân và thoải mái hơn khi trao đổi với mọi người xung quanh”.
Đóng vai trò quan trọng đối với sự thành bại trên đường thành công của mỗi cá nhân, thế nhưng việc đào tạo, trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên vẫn chưa được nhiều trường đại học, cao đẳng coi trọng. Theo nhà văn Di Li, giảng viên khoa Tiếng Anh, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, hiện nay con số các trường đại học, cao đẳng có chương trình đào tạo, trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên rất ít, có chăng chỉ là tổ chức một vài buổi ngoại khóa hoặc nhà trường mời diễn giả tới phổ biến sơ lược cho sinh viên. Chưa kể, việc dạy kỹ năng mềm cho sinh viên hiện nay khá khô cứng, thiếu sức hút, thiếu chiều sâu. Bên cạnh đó, nhân lực đào tạo kỹ năng còn thiếu, thường là giáo viên trong trường kiêm nhiệm, hoặc thuê bên ngoài bởi hiện chưa có một cơ sở đào tạo chính quy nào dành cho các giảng viên chuyên đào tạo kỹ năng mềm. Đó cũng là lý do để Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội sẽ triển khai việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, có cấp chứng chỉ.
Biến kỹ năng mềm thành thế mạnh
Hầu hết nhà quản lý nhân sự và những người giàu kinh nghiệm đều khẳng định, cách duy nhất để trau dồi kỹ năng mềm là phải luyện tập, học hỏi thường xuyên, tạo cho mình một phản xạ tức thời trước mọi tình huống. Nhà văn Di Li khẳng định: “Những kỹ năng này chúng ta không thể có được sau một vài khóa học, mà được trau dồi hằng ngày qua quá trình làm việc và đúc kết kinh nghiệm của chính bản thân. Không nên quan niệm rằng, việc học kỹ năng mềm giống như việc học những môn lý thuyết khác, mà nên học từ những người có kinh nghiệm thực tế thông qua việc tiếp cận, nói chuyện và chia sẻ với họ. Sau đó, hãy vận dụng một cách linh hoạt những điều đã học vào thực tế và biến những kỹ năng đó trở thành kỹ năng của chính mình”.
Tại Hội thảo “Kỹ năng - Thái độ quyết định thành công” tổ chức vào tháng 5 vừa qua tại Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, luật sư Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ tịch Công ty Luật InvestPro cũng khẳng định: “Để có sự thành công và chuyên nghiệp trong công việc, mỗi người cần phải sở hữu nhiều kỹ năng, đó có thể là thái độ nghiêm túc, tác phong chuẩn mực trong công việc hay sự nghiêm túc trong việc thực hiện giờ giấc, tôn trọng đối tác, đồng nghiệp... Đặc biệt, kỹ năng làm việc theo nhóm là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, và cũng là một kỹ năng mà hầu như mọi sinh viên đều đang yếu. Kỹ năng này giúp cho tập thể làm việc hiệu quả”.
Còn anh Lê Ngọc Quang chia sẻ: “Đối với sinh viên, việc học và rèn luyện kỹ năng khi còn học ở trường là rất cần thiết. Tuy nhiên, sinh viên trước hết phải xác định rõ ngành nghề, công việc mà mình học và muốn làm sau khi ra trường, sau đó phân tích xem đối với công việc đó, đâu là kỹ năng “cứng”, đâu là kỹ năng “mềm”. Chẳng hạn, với vị trí nhân viên phòng kinh doanh thì kỹ năng giao tiếp, thuyết phục khách hàng chính là kỹ năng “cứng”, nhưng với vị trí lập trình viên máy tính thì đó lại là kỹ năng “mềm”. Việc xác định rõ “mềm”, “cứng” và nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, những mặt thiếu hụt của bản thân là yêu cầu đầu tiên và rất quan trọng để trau dồi kỹ năng “mềm”. Sinh viên phải tập kỹ năng hằng ngày, cũng như tập viết, tập đọc thì mới nhuần nhuyễn được. Để biến kỹ năng mềm thành thế mạnh của bản thân, mỗi người cần trang bị cho mình thái độ cầu tiến. Kỹ năng mềm có thể được học và rèn luyện ở mọi lúc, mọi nơi và không chỉ bó hẹp trong ngần ấy tiêu chuẩn, chuẩn mực.