Giải pháp nào cho thực trạng hễ mưa là ngập?

Đời sống - Ngày đăng : 05:39, 24/07/2022

(HNNN) - Vài năm gần đây, tình trạng ngập úng cục bộ nghiêm trọng khi xảy ra mưa lớn đã trở thành chuyện bình thường với người dân ở nhiều nơi, đặc biệt là tại một số khu vực đô thị mới phía tây thành phố như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức... Chính quyền các cấp cùng các cơ quan chức năng có liên quan đã, đang nỗ lực tìm giải pháp nhằm giải quyết vấn đề kể trên. Không thể phủ nhận những nỗ lực, kết quả mà thành phố đã đạt được trong công tác thoát nước, nhưng úng ngập là “bài toán” không chỉ đơn thuần dành cho đô thị và không dễ giải nếu thiếu sự phối hợp hành động một cách đồng bộ.

Lượng mưa gấp nhiều lần công suất thoát nước, ao hồ bị san lấp và bất cập trong quy hoạch... khiến nhiều đường phố Hà Nội biến thành “sông” sau trận mưa lớn. Ảnh: Bảo Châu

Cứ mưa to là ngập

Khoảng 10, 15 năm trước, hễ nói đến úng ngập nghiêm trọng ở Hà Nội, mọi người thường nghĩ ngay tới những “rốn nước” Nguyễn Khuyến, ngã năm Nguyễn Du - Bà Triệu, ngã năm Bát Đàn - Đường Thành - Phùng Hưng, Cao Bá Quát, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Thụy Khuê, Ngọc Lâm (Long Biên)... Với sự nỗ lực chung của thành phố, ngành thoát nước, nhiều “điểm đen” đó đã được xử lý triệt để hoặc khắc phục đáng kể như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nguyễn Du - Bà Triệu, Nguyễn Khuyến, Ngọc Lâm (Long Biên)...

Thế nhưng, những điểm úng ngập cục bộ do mưa lớn lại đang có dấu hiệu “chuyển dịch” mạnh mẽ sang các khu đô thị mới, đặc biệt là ở phía tây thành phố. Có thể kể tên một số “điểm đen” úng ngập “mới nổi” trong vài ba năm gần đây như Dương Đình Nghệ, khu Keangnam (Cầu Giấy), đường gom Đại lộ Thăng Long (Hoài Đức)... Hình ảnh đoàn người, phương tiện lội nước, phương tiện chết máy xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Úng ngập kéo theo tình trạng ùn tắc giao thông, làm hư hại phương tiện, gây thiệt hại về kinh tế cho cả cộng đồng, gây bức xúc dư luận.

Về khách quan, úng ngập xảy ra do mưa lớn xối xả trong thời gian ngắn khiến hệ thống thoát nước bị quá tải. Không chỉ đường sá, nước tràn cả vào nhà khiến không ít hộ dân khốn đốn. Biến đổi khí hậu, nhiệt độ trái đất nóng lên khiến không chỉ Hà Nội, Việt Nam mà nhiều quốc gia có hạ tầng phát triển hiện đại như Mỹ, các nước châu Âu... cũng rơi vào cảnh úng ngập do hiện tượng thời tiết cực đoan.

Về chủ quan, theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội được phân theo 4 lưu vực: Tô Lịch (77,5km2, gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ và một phần các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy), Tả Nhuệ (58km2, từ sông Tô Lịch đến sông Nhuệ), Hữu Nhuệ (115,69km2, từ sông Nhuệ đến sông Đáy), Long Biên (62km2, toàn bộ khu vực quận Long Biên). Tuy nhiên, đến nay, chỉ hệ thống thoát nước đô thị lưu vực Tô Lịch cơ bản được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đáp ứng thoát nước khi có mưa với cường độ 310mm/ngày cho toàn bộ hệ thống và 70mm/giờ đối với hệ thống cống. Các khu vực còn lại chủ yếu vẫn tự chảy, tự tiêu.

Với tốc độ đô thị hóa cao, trong khi các nguồn tự chảy, tự tiêu bị thu hẹp, rõ ràng sẽ khó tránh úng ngập. Đó là chưa kể, theo Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội, tiến độ xây dựng một số dự án đầu tư phát triển hạ tầng chậm triển khai cũng ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thoát, điển hình là công trình ga ngầm S12 Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chặn đường thoát nước ra hồ Thiền Quang, dự án cống hóa mương Thụy Khuê thi công dang dở cũng ảnh hưởng tới dòng chảy... Dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (Hà Đông) đã hoàn thành từ năm 2020 với mục tiêu chống úng ngập cho khu vực Hà Đông, Hoài Đức, nhưng chưa hoạt động do các kênh dẫn chưa hoàn thành đồng bộ...

Một điểm ngập úng trên đường Nguyễn Trãi, chiều 29-5-2022. Ảnh: Ngọc Thành

Cần nhiều giải pháp cụ thể, liên ngành

Không thể phủ nhận nỗ lực và các giải pháp hiệu quả đã được thành phố thực hiện để chống úng ngập. Dự án cải tạo thoát nước giai đoạn 1, giai đoạn 2 (do JICA tài trợ) đã phát huy hiệu quả tích cực với Trạm bơm Yên Sở và hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Cũng không thể không nhắc tới hầm ngầm chứa nước mưa được xây dựng dưới sân Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa). Với sức chứa 2.000m3 nước, hầm chứa này đã góp phần vô cùng hữu ích trong giải quyết úng ngập cục bộ tại phố Nguyễn Khuyến. Khi mưa lớn, nước mưa sẽ được dẫn về hầm chứa. Sau khi mưa ngớt, mực nước hệ thống thoát nước thành phố giảm, cơ quan chức năng sẽ vận hành máy bơm, bơm nước từ hầm trở lại hệ thống thoát nước.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, hầm chứa này giúp giảm tới 70% mức độ cũng như thời gian úng ngập trên phố Nguyễn Khuyến. Tuy nhiên, cho đến nay, do nhiều lý do khác nhau, giải pháp công trình tình thế khá hiệu quả này chưa thể triển khai để khắc phục tạm thời tình trạng ngập úng tại các “điểm đen” khác. Cũng cần nói thêm là từ tháng 11-2008, Tổng Công ty xây dựng Hà Nội đã đề xuất ý tưởng xây dựng phương án thoát nước tại chỗ, góp phần hạn chế, chống úng ngập cho thành phố trong những đợt mưa lớn. Theo đó, mực nước ngầm ở thành phố đã, đang cạn kiệt dẫn tới tình trạng lún, nứt. Trên cơ sở thăm dò dung tích túi nước ngầm cạn kiệt cũng như biện pháp xử lý môi trường, chúng ta sẽ tìm giải pháp đưa nước thoát xuống đất theo các đường dẫn. Thế nhưng, cho đến nay, giải pháp này vẫn chỉ dừng lại ở mức độ đề xuất ý tưởng.

Nói thế để thấy, vấn đề thoát nước, chống ngập ở đô thị đã được thành phố hết sức quan tâm từ rất lâu. Đáng tiếc là việc thực hiện các giải pháp cụ thể tiến triển quá chậm so với tốc độ đô thị hóa, bê tông, cứng hóa ở thành phố. Nhiều cánh đồng lúa ở thời điểm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô nay đã thành khu đô thị, khu công nghiệp, bề mặt được phủ bê tông nhưng hệ thống thoát nước không có nhiều thay đổi, thậm chí, diện tích ao hồ tự nhiên cũng bị thu hẹp. Việc thay thế vật liệu lát vỉa hè cũng khiến việc tiêu thoát tại chỗ bị ảnh hưởng. Bê tông hóa khiến lượng nước dồn về chỗ trũng càng lớn, hệ thống tiêu thoát không đáp ứng yêu cầu, ngập úng là khó tránh.

Tháng 10-2008, trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Hànộimới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT (thời điểm đó) Đào Xuân Học đã nhấn mạnh: “Giải quyết bài toán tiêu thoát cho đô thị không đơn thuần là việc chỉ dành cho đô thị. Nước đô thị tiêu ra hệ thống kênh rạch. Hệ thống kênh rạch lại móc nối với nhau trên bình diện rất rộng. Nước của Hà Nội thoát ra sông Hồng, sông Nhuệ. Mực nước sông Hồng cao hoặc phía hạ du mưa nhiều đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát. Khu đô thị phía Tây Hà Nội đang phát triển mạnh. Nước sẽ tiêu thoát vào sông Nhuệ, nhưng từ sông Nhuệ sẽ tiêu thoát thế nào, đi đâu thì lại chưa được các nhà xây dựng, quy hoạch đô thị tính toán kỹ. Cống Hà Đông được xây dựng phục vụ cho tiêu thoát nông nghiệp với tiêu chí: Lượng mưa 3 ngày được tiêu hết trong 5 ngày. Trong khi đó, tính toán tiêu thoát cho đô thị phải tính theo giờ (mưa giờ nào tiêu hết giờ đó). Hệ số tiêu thoát cho lúa chỉ từ 3 đến 4 lít/giây/ha, còn hệ số tiêu thoát đô thị lên đến 50 lít/giây/ha. Do vậy, phải tính toán lại hệ thống tiêu thoát đáp ứng yêu cầu mới”.

Theo Tiến sĩ, KTS Đào Ngọc Nghiêm, một bài học cần rút ra là không nên phát triển kiểu “xôi đỗ”, chỉ chú trọng vào các khu đô thị, còn hệ thống kỹ thuật bên ngoài thì không đồng bộ. Chủ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới thì cũng phải có trách nhiệm với hạ tầng kỹ thuật bên ngoài. Vẫn theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, cần điều chỉnh quy hoạch thoát nước, bổ sung kênh mương, khơi thông dòng chảy và đặc biệt là tăng công suất các trạm bơm cuối nguồn để tránh úng ngập cục bộ. Như vậy, có thể thấy, việc giải quyết “bài toán khó” ngập úng cần được đặt trên bình diện rộng với những giải pháp cụ thể, liên ngành và thực hiện một cách đồng bộ.

Ngày 28-12-2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch 312/KH-UBND về phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, định hướng là ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, khu vực quận Hà Đông, quận Long Biên và khu vực phía tây thành phố nhằm giải quyết tình trạng úng ngập do mưa. Tại kế hoạch này, thành phố cũng đã ghi danh mục các dự án thoát nước, công trình thu gom và xử lý nước thải, công trình thủy lợi hỗ trợ tiêu thoát đô thị cụ thể bằng sử dụng vốn ngân sách và nguồn xã hội hóa. Thành phố cũng giao trách nhiệm cụ thể cho các quận, huyện, sở, ngành, đơn vị có liên quan. Vấn đề đặt ra hiện nay là đẩy nhanh thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra.

Mai Lâm