Ðồng bộ các giải pháp
Đời sống - Ngày đăng : 13:42, 24/07/2022
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:
Tạo đột phá trong ứng dụng công nghệ mới
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Hà Nội bị ngập úng, trong đó, có thể kể đến một số nguyên nhân nổi bật như tốc độ “bê tông hóa”, mật độ nhà cao tầng, thiếu hồ nước, thiếu không gian xanh... Cụ thể, việc xây dựng nhiều khu đô thị đã dẫn tới dân số tăng quá mức dự kiến khi xây dựng quy hoạch. Trong khi đó, không gian xanh và diện tích các hồ nước càng ngày càng bị thu hẹp. Việc Hà Nội cho lấp bớt một số hồ, kênh, mương cũng đã ảnh hưởng tới việc thoát nước... Tiếp đó, xét về hệ thống cống, hệ thống cống ngầm Hà Nội đã có từ thời Pháp thuộc, nếu trước kia thời Pháp chỉ có 74km cống ngầm thì nay đã có gần 140km. Rõ ràng, hệ thống này đã phát triển nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề, như việc thu gom nước mặt và nước thải lẫn lộn gây ách tắc... Hà Nội có rất nhiều con sông như sông Lừ, Kim Ngưu, Tô Lịch, Nhuệ... Thời gian qua, hệ thống sông này đã được chú trọng làm sạch, nhưng lại chưa chú trọng bảo đảm dòng chảy. Trong khi đó, các sông này không chỉ giúp thoát nước mặt, mà còn kết hợp phục vụ tưới tiêu. Thêm nữa, chúng ta cần điều tiết ở cuối mỗi lưu vực thoát nước bằng các hồ lớn nhưng hiện tại chưa có nhiều hồ lớn...
Trước thực trạng trên, tôi cho rằng, để giảm úng ngập trên địa bàn thành phố, công tác điều chỉnh và xây dựng quy hoạch thoát nước là rất cần thiết. Nhưng trước mắt, trong khi chuẩn bị nghiên cứu để đồng bộ quy hoạch mới thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng ta cần tạo sự đột phá trong việc ứng dụng công nghệ mới để chống úng ngập cục bộ. Có thể tham khảo kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh, nơi đã thực hiện rất tốt việc ứng dụng công nghệ trong việc cảnh báo sớm về tình trạng úng ngập, mưa, triều cường... để người dân chủ động hơn trong việc tránh các khu vực ngập, tránh bị kẹt xe, hư hại tài sản... Nhấn mạnh yêu cầu áp dụng khoa học công nghệ để chống úng ngập cục bộ là bởi kỹ thuật chống úng ngập của Hà Nội hiện đã quá cũ. Thêm vào đó, chúng ta cần phải điều chỉnh lại quy hoạch, bổ sung kênh mương thoát nước, khơi thông dòng chảy, quản lý chặt hệ thống kênh, mương, đặc biệt là dòng chảy của những dòng sông chính (sông Nhuệ, sông Đuống, sông Hồng...), tăng công suất các trạm bơm cuối nguồn và công tác bảo dưỡng để chống ách tắc cục bộ. Đặc biệt, báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức rõ rằng, việc xử lý úng ngập không phải là trách nhiệm của riêng chính quyền Thủ đô, mà cần có sự góp sức của chính người dân. Chẳng hạn, mỗi người cần ý thức rõ về tầm quan trọng của việc phân loại rác, không vứt rác bừa bãi ra lòng hồ, sông...
Ông Vũ Xuân Đán, cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm:
Nỗ lực giảm thiểu nguy cơ úng ngập trên địa bàn
Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cứ mưa to kéo dài là ngập tại Hà Nội trong thời gian vừa qua là hệ thống hạ tầng thoát nước chung của thành phố hiện đang quá tải, không đáp ứng đủ điều kiện thoát nước của cả thành phố khi có mưa lớn.
Để ngăn ngừa tình trạng úng ngập cục bộ xảy ra, ngay khi có cảnh báo mưa lớn, UBND quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo UBND 18 phường trên địa bàn quận cử lực lượng dân quân, cảnh sát trật tự cùng cán bộ cơ sở ứng trực tại các điểm có nguy cơ úng ngập để cảnh báo, phân luồng, giải tỏa giao thông, xử lý sự cố xảy ra. Đồng thời, UBND quận Hoàn Kiếm cùng Xí nghiệp thoát nước số 1 (Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội) triển khai công tác ứng trực, dọn rác và vật cản, vệ sinh các ga ghi thu, miệng hàm ếch..., đồng thời cử lực lượng tiến hành kiểm tra tình trạng thoát nước ở các ngõ xóm và phối hợp nắm bắt thông tin về úng ngập, triển khai công nhân xử lý tình huống tại các vị trí úng ngập phát sinh (nếu có)...
Chính vì thế, nhiều năm qua, công tác xử lý úng ngập cục bộ trên địa bàn quận nhìn chung đã đạt kết quả tốt, chưa để xảy ra cái trường hợp úng ngập kéo dài. Thông thường, các điểm úng ngập cục bộ trên địa bàn quận được xử lý dứt khoát, không để kéo dài - lâu thì 1 giờ, còn nhanh thì khoảng 15 phút đến 30 phút là hết ngập. Trong thời gian tới, rất mong thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước Hà Nội sớm có giải pháp xử lý các điểm hay úng ngập cục bộ khi mưa lớn: Ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu; ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Phùng Hưng - Nhà Hỏa; ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng... để giảm thiểu nguy cơ úng ngập trên địa bàn, giúp giao thông được thông suốt, đảm bảo an toàn khi mưa lớn kéo dài.
KTS Vũ Hoài Đức, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội:
Hạ tầng luôn phải đi trước một bước
Hà Nội đã qua 9 năm thực hiện Quy hoạch thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, chưa thấy có thống kê, đánh giá thực chất việc hình thành 5.405ha hồ điều hòa, 45 trạm bơm (cả cũ và mới) với tổng công suất yêu cầu lên đến 1.315m3/s, tại 28 lưu vực thoát nước, trên 3 vùng: Hữu Đáy, Tả Đáy, và Bắc sông Hồng. Chỉ nhìn vào việc các dự án đến năm 2020 phải hoàn thành theo quy hoạch được duyệt, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy các hạng mục đều chậm tiến độ, mà điển hình là hệ thống thoát nước mưa lưu vực sông Nhuệ, sông Tô Lịch (dự án II). Từ đó có thể thấy, việc xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng hệ thống thoát theo quy hoạch trong 8 năm nữa là không khả thi.
Cùng với những diễn biến bất thường của thời tiết do biến đổi khí hậu, trên đây đều là những lý do chủ quan khiến cứ mỗi mùa mưa đến, đường phố Hà Nội lại ngập. Rõ ràng là mối quan tâm dành cho lĩnh vực hạ tầng đô thị nói chung và thoát nước nói riêng không theo kịp tốc độ phát triển của đô thị.
Đừng để câu nói có giá trị “hạ tầng luôn đi trước một bước” chỉ là khẩu hiệu, mà phải trở thành hiện thực. Quy hoạch thực chất là một tiến trình từ khâu định hướng đến rà soát, đánh giá để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Ở đây chính là việc điều chỉnh nguồn lực để hạ tầng thoát nước Thủ đô theo kịp với quy mô của một thành phố hiện đại.