Thầm lặng vì nhân dân phục vụ

Đời sống - Ngày đăng : 18:51, 24/07/2022

(HNNN) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng đâu đó giữa thời bình vẫn có những cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang hy sinh để giữ cuộc sống bình yên. Sự hy sinh lặng thầm của họ thật đáng khâm phục, góp phần bồi đắp truyền thống vẻ vang của lực lượng vũ trang anh hùng và khiến mỗi chúng ta phải suy nghĩ, cố gắng sống có ích, xứng đáng với sự hy sinh đó.

Thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Tô thêm truyền thống anh hùng

Những ngày tháng bảy thời tiết thất thường, vết thương của Đại úy Phạm Đức Ngọc, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông và trật tự, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), lại đau nhức. Nhiều đêm trực chốt phòng chống đua xe, luôn kịp thời có mặt để phân luồng khi trời mưa to, đường ngập..., anh gắng chịu những cơn đau để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng đội luôn lấy tấm gương “2 lần thương binh” của Đại úy Ngọc để động viên nhau vượt qua khó khăn.

Cách đây gần 10 năm, vào khoảng 6h sáng ngày 17-4-2013, trong lúc làm nhiệm vụ phân làn, xử lý phương tiện giao thông vi phạm ở đầu cầu Thanh Trì, Phạm Đức Ngọc (lúc đó mang quân hàm Thiếu úy, công tác ở Đội Cảnh sát giao thông số 5, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) đã bị một chiếc xe container đâm gãy chân. Vào thời điểm đó, khi Thiếu úy Ngọc ra lệnh dừng xe tải đi sai làn trên đường dẫn cầu Thanh Trì hướng về Gia Lâm thì đột nhiên một xe container chạy từ phía sau húc vào đuôi xe tải, kéo lê Thiếu úy Ngọc dưới gầm xe khoảng 20m. Hiện trường ghê rợn đến mức nhiều người đi đường tưởng cán bộ cảnh sát giao thông nằm dưới gầm xe không qua khỏi...

Vết thương cũ chưa lành thì 2 năm sau đó lại xảy ra chuyện, khi Trung úy Ngọc chuyển về Đội Cảnh sát giao thông số 14. Vào 14h45 chiều ngày 18-10-2015, Phạm Đức Ngọc làm nhiệm vụ tại chốt giao thông trên đường Giải Phóng, phát hiện xe ô tô con mang biển kiểm soát 98A-080.94 vi phạm Luật Giao thông, chạy quá tốc độ và vượt phải sai quy định nên đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, lái xe tiếp tục điều khiển xe đâm thẳng vào người anh. Cú đâm mạnh đã khiến người cảnh sát trẻ bị hất lên nóc xe trước khi rơi xuống đất, làm vỡ xương mỏm đầu gối chân phải, xây xát vùng đầu, mặt. Lái xe bị truy bắt, hé lộ có liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy...

Thi thoảng, ta bắt gặp ở đâu đó dòng tin khiến lòng man mác buồn. Một chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy bị thương nặng trong khi tham gia chữa cháy tại xưởng gỗ, bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân. Một cảnh sát hình sự bị tai nạn giao thông khi quyết liệt truy bắt tội phạm. Một cảnh sát giao thông bị đối tượng vi phạm kéo lê trên đường. Cảnh sát cơ động bị đối tượng đua xe lao thẳng vào người... Dù khoác trên mình màu áo nào, những chiến sĩ công an nhân dân đó đều có một đặc điểm chung là sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm để bảo vệ sự bình yên cuộc sống của nhân dân.

Nhiều người may mắn thoát khỏi bàn tay tử thần nhưng phải mang trên mình những vết thương vĩnh viễn theo cùng thời gian. Thượng úy Nguyễn Tuấn Thành, Tiểu đội trưởng chữa cháy, Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) là một người như thế. Người dân xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất sẽ mãi không quên thời khắc 19h45’ ngày 14-6-2019. Vào thời điểm đó, ngọn lửa bùng phát từ một hộ dân sản xuất kinh doanh đồ gỗ ở thôn 1, sau đó lan rộng ra 2 nhà khác. Do có nhiều đồ bén lửa, đám cháy nhanh chóng bao trùm khoảng 400m² nhà xưởng.

Nhận được tin báo, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an huyện Thạch Thất) đã lập tức điều 3 xe chữa cháy, Công an huyện Quốc Oai điều 1 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến làm nhiệm vụ ngăn chặn giặc lửa. Trong quá trình chữa cháy, Thượng úy Nguyễn Tuấn Thành đã trèo lên mái nhà để phun nước dập lửa nhưng bất ngờ mái nhà bị sập, khiến anh bị rạn xương cột sống và gãy xương gót chân phải. Sau 2 tháng điều trị, anh Thành mới được tháo bột bó gót chân, xương cột sống cũng dần lành, nhưng thương tật 37% thì vĩnh viễn ở lại trong cơ thể người sĩ quan trẻ.

Đại úy Phạm Đức Ngọc tâm sự: “Trong khoảnh khắc nguy hiểm tôi không nghĩ ngợi gì cả, chỉ tìm mọi cách để ngăn chặn hành vi vi phạm, đảm bảo an toàn cho người dân. Dù khi “trái gió trở giời” vết thương lại hành hạ nhưng nghĩ về những đồng đội đã ngã xuống giữa thời bình, tôi thấy mình còn phải phấn đấu hơn nữa. Thượng sĩ Đỗ Như Quỳnh, chiến sĩ công an quận Đống Đa, vợ liệt sĩ Phạm Quốc Huy hy sinh ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), tâm sự: “Tôi mãi mãi tự hào vì những người nằm xuống cho hôm nay như người chồng yêu dấu của tôi, và sẽ nỗ lực phấn đấu hết mình để xứng đáng với bộ quân phục thiêng liêng đang khoác trên mình, tiếp bước truyền thống vẻ vang của gia đình và lực lượng”.

Nêu cao đạo lý đền ơn đáp nghĩa

Tháng bảy lại về, trong ngôi nhà nhỏ ở thôn 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, những công đoạn cuối cùng trong việc xây dựng căn nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ Thượng sĩ Chử Văn Khánh, chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) sắp hoàn thành. Đồng đội, cán bộ và người dân địa phương góp công của để phần nào làm vợi đi cảm xúc mất mát đau thương của người ở lại.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, Thượng sĩ Chử Văn Khánh là con út trong gia đình có 4 chị em, gia đình thuộc diện khó khăn, mới thoát nghèo chưa lâu. Trong quá trình tham gia cứu nạn cứu hộ liên quan tới vụ tai nạn trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, anh đã hy sinh. “Trong suốt thời gian công tác, Khánh là một chiến sĩ luôn gương mẫu trong học tập, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2016, anh đạt danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” và năm 2017 đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”. Anh cũng nhiều lần được khen thưởng do đã có thành tích xuất sắc trong công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn huyện Thường Tín và Phú Xuyên. Đầu năm 2022, Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trao bằng Tổ quốc ghi công đối với liệt sĩ Công an nhân dân Chử Văn Khánh”.

Thiếu tá Bùi Mạnh Hùng, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an thành phố Hà Nội chia sẻ, hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), tuổi trẻ Công an thành phố Hà Nội đã có những hoạt động thiết thực như chăm nom nghĩa trang liệt sĩ ở các địa phương; tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình chính sách để góp phần chia sẻ mất mát đau thương. Nằm trong hành trình về nguồn “Tiếp bước anh hùng” tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, trong tháng 7-2022, tuổi trẻ Công an Thủ đô đã tặng 15 phần quà cho 15 gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách của xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình; thực hiện công trình “Con đường thanh niên” trên đoạn đường từ thôn 3 đến thôn 5, xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) có chiều dài khoảng 2.000m...

Thượng tá Hoàng Trọng Chung, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, hiện nay, có 110 thương binh, 70 thân nhân liệt sĩ đang công tác tại Công an thành phố. Trong đó có những đồng chí thương binh còn trẻ nhưng xin ở lại đơn vị chiến đấu. Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an thành phố, cấp ủy, lãnh đạo công an các cấp luôn quan tâm, chăm lo cho các đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ bằng nhiều việc làm thiết thực thắm tình đồng đội, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc... Tất cả nhằm biểu dương, ghi nhận tinh thần dũng cảm của những liệt sĩ, thương binh, tri ân các gia đình đã sinh ra những người con dũng cảm sẵn sàng quên mình vì Tổ quốc, vì sự bình yên của nhân dân.

Bài và ảnh: Ngân Hạ