Tạo động lực, điều kiện thực hành văn hóa giao thông

Giao thông - Ngày đăng : 05:31, 24/07/2022

(HNMCT) - Từ nhiều góc độ, các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, nghệ sĩ đã chia sẻ với Hànộimới Cuối tuần về những giải pháp thiết thực nhằm không ngừng bồi đắp lề lối ứng xử văn minh khi tham gia giao thông. Các ý kiến góp phần làm rõ về sự cần thiết tạo dựng điều kiện, động lực cho việc thực hành văn hóa giao thông của mỗi người dân.

Nghệ sĩ Nhân dân Lương Đức:
Sự nêu gương của người lớn là vô cùng quan trọng

Hơn 50 năm trước, tôi làm bộ phim khoa học thường thức về an toàn giao thông. Bộ phim mang tên “Chớ coi thường”, xoay quanh câu chuyện xử lý một vụ tai nạn giao thông do xe ô tô va chạm người đi xe đạp. Với sự hỗ trợ của các thủ pháp điện ảnh, âm thanh; qua thể hiện của những diễn viên chuyên nghiệp Nhà hát Kịch nói Hà Nội và đoàn Kịch điện ảnh, bộ phim như một bài học nhỏ về ý thức tham gia giao thông.

Thời điểm đó Hà Nội còn thưa vắng lắm, trên đường phố xe đạp là phương tiện lưu thông chủ yếu. Tôi nhớ mỗi khi đi gần tới ngã ba, ngã tư, ai nấy đều chủ động giảm tốc độ, chú ý quan sát rồi mới đi tiếp, chứ tuyệt nhiên không có chuyện cắt ngang, cắt chéo. Dẫu không có đèn tín hiệu giao thông, bùng binh hay công an giao thông đứng ở những nút giao này nhưng tất cả đều nghiêm chỉnh chấp hành quy định.

Bây giờ, vì áp lực dân số tăng, đường phố Hà Nội đông đúc hơn và cũng lộn xộn hơn nhiều. Mỗi khi ra phố, hòa trong dòng xe xuôi ngược ấy, tôi không khỏi lo lắng khi chứng kiến xe cộ phóng nhanh như làm xiếc, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ. Bản thân tôi cũng đã đôi lần bị ngã đau điếng khi đang đạp xe trên phố chỉ vì những cú vượt ẩu, lạng lách như vậy.

Thế nên, để giảm tối đa tai nạn giao thông, rất cần có tinh thần thượng tôn pháp luật và đặc biệt là cần phải giáo dục văn hóa giao thông. Văn hóa giao thông phải được xây dựng từ trong mỗi gia đình, trong nhà trường, đến ngoài xã hội, phải bắt đầu từ mỗi đứa trẻ. Ở nhiều nước phát triển, từ cấp học mầm non, trẻ đã được làm quen với luật giao thông, với những bài học an toàn giao thông. Họ làm cả những bộ phim khoa học để giáo dục ý thức văn hóa khi tham gia giao thông cho các em nhỏ. Rất nhẹ nhàng, súc tích nhưng ấn tượng và có tác động không nhỏ với mỗi đứa trẻ.

Đó là kinh nghiệm mà chúng ta có thể tiếp tục vận dụng. Với trẻ nhỏ, sự nêu gương của người lớn là vô cùng quan trọng. Tôi đã chứng kiến nhiều ông bố, bà mẹ chở con qua ngã ba, ngã tư mà vẫn ngang nhiên vượt đèn đỏ. Họ như thế, sao có thể dạy con về văn hóa giao thông đây?

Kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc, Giám đốc Thiết kế Asui.com:
Nghiên cứu thói quen, tâm lý người tham gia giao thông để thiết lập quy tắc

Văn hóa giao thông, theo quan điểm của tôi, giống như một cuộc chơi mà ở đó, những người làm chính sách, quy hoạch... là người thiết lập cuộc chơi; chúng ta, những người tham gia giao thông là người tham gia cuộc chơi này. Như vậy, khi luật chơi càng được thiết lập rõ ràng thì người tham gia càng có điều kiện tuân thủ tốt.

Tôi quan sát và nhận thấy ở đường Minh Khai, trong suốt quá trình mở rộng đường và làm đường trên cao, các nút giao cắt được ngăn lại, mọi người đi qua các đảo giao thông. Hiện tượng ùn tắc ở đường Minh Khai gần như biến mất cho dù lòng đường bị thu hẹp do rào tôn dựng lên. Tuy nhiên, ở những vị trí có đèn xanh đèn đỏ thì vẫn có hiện tượng tắc cục bộ và người vượt đèn đỏ - nhiều nhất là ở khu vực chân cầu Vĩnh Tuy, đầu khu Times City... Như vậy, theo tôi, câu hỏi đặt ra là nên dựng đèn đỏ ở các ngã tư hay làm đảo giao thông?

Còn nói rộng hơn, để có được nền tảng văn hóa giao thông bền vững thì trước hết phải nghiên cứu thói quen, tâm lý của người tham gia giao thông. Các chuyên gia sẽ phân tích tâm lý đám đông, đưa ra các giả thuyết... Sau đó, tùy theo điều kiện, hiện trạng giao thông để thiết lập các quy tắc giao thông thích ứng, có hiệu quả cao.

Một ví dụ khác, khi lái xe ở Mỹ, tôi nhận thấy các biển chỉ dẫn rất to, rõ ràng và khoa học. Những chỗ cần giảm tốc độ thì cứ cách một đoạn ngắn lại có một biển nhắc tốc độ cho phép. Nó khiến tôi nghĩ rằng bất cứ một người bình thường nào tham gia giao thông cũng không thể nhầm lẫn được. Như vậy, dễ thấy là, muốn thực hành văn hóa giao thông tốt thì bên cạnh những vấn đề đã được nói nhiều như giáo dục ý thức, xây dựng thói quen, điều rất quan trọng là phải tạo ra được điều kiện tốt về quy định, chỉ dẫn... cho người tham gia giao thông.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ:
Nên mở nhiều cuộc thi về đề tài giao thông

Văn hóa, văn nghệ dân gian có vai trò rất quan trọng trong hình thành nếp ứng xử của chúng ta. Nhưng lâu nay, ở một số lĩnh vực, văn hóa truyền thống vẫn chưa phát huy được tác dụng, nhất là với ngành Giao thông - một đề tài luôn nóng hổi, mang tính thời sự và bức thiết. Hiện tại, chỉ vài nơi, chủ yếu là tại các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị... thường xuyên có những tác phẩm văn nghệ về đề tài giao thông tham gia hội diễn của tỉnh. Có thể thấy, ngoài hình thức báo cáo thành tích, giới thiệu truyền thống lịch sử, người ta dùng những tác phẩm văn nghệ để tuyên truyền, đề cao vai trò của văn hóa giao thông. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, điều đó không còn được chú trọng tại các hội diễn ngành như trước nữa.

Có thể khẳng định rằng, việc tuyên truyền bằng các hình thức văn nghệ dân gian là con đường ngắn nhất mang thông điệp về văn hóa vào đời sống, bởi ca từ luôn dễ nghe, dễ hiểu, dễ thuộc, dễ thấm sâu. Đó cũng là phương thức hữu hiệu để gìn giữ, bảo tồn, quảng bá văn hóa nói chung. Đề tài về văn hóa giao thông rất phong phú, đa dạng. Làm cuốn phim hay nhạc phẩm thì khó, nhưng tiếp cận vấn đề qua con đường văn hóa dân gian thì dễ hơn nhiều. Và từ rất lâu rồi, những giá trị truyền thống, những lời ca tiếng hát mang đậm hồn cốt dân tộc vẫn luôn dễ cảm thụ hơn. Chính vì thế, tôi mong muốn và hy vọng các cơ quan chức năng sẽ mở những đợt tuyên truyền hay cuộc thi văn nghệ dân gian về đề tài văn hóa giao thông. Làm được điều đó là góp phần vừa làm giàu thêm vốn văn hóa dân tộc vừa bồi đắp nét đẹp văn hóa ứng xử của người dân khi tham gia giao thông.

Trang Thủy