Buýt điện - ''luồng gió mới'' của vận tải công cộng

Giao thông - Ngày đăng : 11:27, 24/07/2022

(HNNN) - Nghe nhiều người khen xe buýt điện trên mạng xã hội, tôi quyết định “mục sở thị” một vài tuyến buýt điện để trực tiếp cảm nhận và giải đáp câu hỏi “có đúng không và vì sao người dân lại thích xe buýt điện”.

Hỗ trợ hành khách lên xe.

Xanh, sạch, văn minh

Đầu giờ cao điểm buổi sáng một ngày tháng bảy, tuyến đường Cổ Linh - Long Biên - Hà Nội khá đông đúc, nhất là tại một số nút giao như Cổ Linh - Thạch Bàn, Cổ Linh - Đàm Quang Trung lên cầu Vĩnh Tuy..., thế nhưng chiếc xe buýt điện sơn màu xanh lá vẫn từ tốn dừng đúng vị trí lên xuống quy định. Cửa xe nhẹ nhàng mở ra, ba hành khách xếp hàng lần lượt lên xe. Trong lúc họ còn đang nhìn khắp dọc xe để chọn chỗ cho mình thì phụ xe đã cúi người thật thấp chào hành khách với gương mặt tươi tắn. Phụ xe hướng dẫn hành khách vào chỗ ngồi còn trống, nếu không thì khách đứng bám tay vịn rồi chiếc xe lại từ từ lăn bánh hòa vào dòng phương tiện đông đúc. Chưa hết vui trước thái độ lịch sự, nhã nhặn của phụ xe thì khách lại thêm ngạc nhiên vì không khí mát mẻ, sạch sẽ, khác hẳn với buýt truyền thống bấy lâu nay chạy bằng dầu nên trên xe hay có mùi làm hành khách khó chịu. Khi hành khách đã ổn định chỗ ngồi, nhân viên phụ xe lần lượt đi kiểm tra thẻ, vé của hành khách vừa lên. Khách nào đã có vé tháng lưu thông vận tải khách công cộng thì xuất trình, khách nào không có thì mua vé lượt, giá vé 8.000 đồng/lượt. Khách được nhận vé in điện tử từ chiếc máy pos nhỏ cầm tay của nhân viên, tương tự như vé tàu điện ở tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Lộ trình tuyến buýt điện E01 chạy qua các cung đường đông đúc vào khung giờ cao điểm buổi sáng. Xe qua cầu Vĩnh Tuy rồi đi thẳng xuống đường Minh Khai - tuyến đường vốn sáng nào cũng trong cảnh ùn ứ do nhiều đoạn thi công Vành đai 2 trên cao rồi sang đường Đại La. Tại một điểm dừng trên đường Đại La, 5 hành khách lên xe, trong đó có một hành khách đã có tuổi, tay xách chiếc làn khá nặng được phụ xe hỗ trợ cùng với cử chỉ và lời chào thân thiện. Chiếc buýt điện lại nhẹ nhàng vận hành sang đường Trường Chinh - Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, rẽ sang Phạm Hùng và về điểm cuối là Bến xe Mỹ Đình. Lộ trình đều là những tuyến đường “nóng” vào giờ cao điểm sáng nhưng chiếc xe vận hành rất êm, không có những “cú tạt đầu” phanh gấp, hành khách không bị xô nghiêng ngửa mỗi khi đến điểm ra vào. Ngồi trong xe, hành khách hoàn toàn có thể tập trung đọc sách, ngắm phố xá đông đúc và trong những phút giây nhập tâm, khách có thể quên mình đang ở trên phương tiện công cộng để đến công sở. Trên xe còn trang bị cổng sạc USB và wifi miễn phí, bảng điện tử thông báo điểm dừng sắp tới...

Theo ghi nhận ở những chiếc buýt điện hiện nay, cửa lên xuống có chế độ tự động hạ thấp khi dừng để hỗ trợ người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai... Trước vô lăng xe được trang bị camera để quan sát tình trạng của người lái, sẵn sàng nhắc nhở khi tài xế có dấu hiệu mất tập trung hay buồn ngủ, tạo sự an tâm cho hành khách trong quá trình di chuyển.

Cú hích cho vận tải hành khách công cộng

Các tuyến buýt điện trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện vẫn đang trong quá trình thí điểm với thời hạn 1 năm. Đến nay, toàn thành phố có 8 tuyến buýt điện do Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus vận hành, các tuyến buýt này đều là các tuyến hưởng trợ giá của thành phố Hà Nội, kết nối các điểm khu đô thị (KĐT) - trung tâm thương mại lớn của tập đoàn Vingroup.

Phải nói rằng buýt điện như một làn gió mới tươi mát thổi vào hệ thống vận tải khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt, trong bối cảnh xe buýt truyền thống được người dân Thủ đô ví von như “hung thần đường phố” thì cung cách hoạt động của buýt điện mang đến một sự mới mẻ, phong cách phục vụ nhã nhặn, lịch sự và nhẹ nhàng hơn. Sự xuất hiện của buýt điện từ tháng 12-2021 đã lấy được thiện cảm của người dân Thủ đô. Trên các lộ trình có buýt điện hoạt động, nhiều người dân đã cất phương tiện cá nhân để sử dụng buýt điện để đến công sở thay vì vật lộn chen lấn trên các cung đường vừa đông, vừa tắc và ô nhiễm khói bụi. Đặc biệt, khi tần suất các tuyến buýt điện được phủ dày hơn thì từ giữa năm 2022, câu chuyện về buýt điện được thể hiện rõ nét qua lời người dân với cụm từ “xe gì vừa êm vừa mát”, “đi buýt điện còn hơn đi ô tô cá nhân”...

Chị Nguyễn Thùy Trang ở khu đô thị Times City cho biết, chị công tác tại một doanh nghiệp có trụ sở trên đường Nguyễn Trãi. Từ ngày có buýt điện kết nối nơi ở và nơi làm việc thì chị đã chuyển từ đi xe máy sang xe buýt điện. “Ban đầu tôi cũng nghi ngại, vì bấy lâu tôi không có nhiều thiện cảm với xe buýt truyền thống. Tôi thử đi buýt điện trong vòng một tuần, sau đó quyết định đi xe buýt tới chỗ làm luôn” - chị Trang chia sẻ.

Theo chị Trang và nhiều hành khách đang sử dụng buýt điện, để di chuyển hằng ngày thì buýt điện là phương tiện phù hợp. Xe sạch sẽ, mát mẻ và đặc biệt là thái độ của lái xe và phụ xe với hành khách rất chuyên nghiệp, đúng mực. Tuy vậy, nhiều hành khách cũng bày tỏ, hiện nay hệ thống buýt điện vẫn còn hạn chế về độ phủ, phần lớn vẫn là kết nối các KĐTcủa Vingroup nên còn hạn chế đối tượng phục vụ. Hơn nữa, động thái cúi gập người chào mỗi khi có hành khách lên xe cũng thực sự không cần thiết vì hơi rườm rà.

“Đó là văn hóa chào khách của người Nhật, thể hiện thái độ lịch sự với khách nhưng không cần thiết trên những chuyến xe buýt công cộng. Theo tôi, chỉ cần lái xe và phụ xe có thái độ hòa nhã, thân thiện với hành khách là rất tuyệt vời rồi, và cũng phù hợp với văn hóa của người Việt hơn” - một hành khách thường đi trên chuyến xe buýt điện E02 bày tỏ.

Theo tìm hiểu của phóng viên thì lái xe, phụ xe của VinBus được đánh giá là văn minh, lịch sự. Doanh nghiệp này sẵn sàng cho nhân viên nghỉ việc nếu có hành vi, cách ứng xử lệch chuẩn. Trên xe buýt điện có hệ thống camera và được trung tâm kiểm soát hành vi của người lái, phụ xe theo dõi, giám sát nên tất cả mọi người đều tuân theo quy định một cách nghiêm ngặt.

Sự có mặt của buýt điện sẽ là cú hích để các doanh nghiệp vận tải buýt truyền thống nhìn lại và thay đổi chính mình cho phù hợp với yêu cầu ngày một cao hơn của người dân. Có cạnh tranh lành mạnh thì sẽ có sự thay đổi tích cực cho thị trường, hướng đến mục đích cao nhất là phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.

8 tuyến xe buýt điện được Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus đưa vào khai thác gồm: E01 (Bến xe Mỹ Đình - Ngã Tư Sở - KĐT Ocean Park), E02 (Hào Nam - Long Biên - KĐT Ocean Park), E03 (Mỹ Đình - Hàm Nghi - Thái Hà - KĐT Ocean Park), E05 (Long Biên - Cầu Giấy - KĐT Smart City), E06 (Bến xe Giáp Bát - Bến xe Nước Ngầm - KĐT Smart City), E07 (Long Biên - Bờ Hồ - KĐT Smart City), E08 (Khu liên cơ sở, ngành Hà Nội - Khu Ngoại giao đoàn - KĐT Smart City) và E09 (KĐT Smart City - Công viên nước Hồ Tây).

Bài và ảnh: Thủy Trúc