Thành phố Hồ Chí Minh: Khắc phục nghịch lý thừa - thiếu công chức, viên chức
Đời sống - Ngày đăng : 07:28, 25/07/2022
Dôi dư hơn 5.700 công chức, viên chức Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân thông tin, thành phố được Trung ương giao 10.869 biên chế công chức, nhưng HĐND thành phố đã duyệt 14.470 biên chế, thừa 3.601 người. Về biên chế viên chức, thành phố được giao 97.881 người, HĐND thành phố đã duyệt 99.985 người. Tổng số công chức, viên chức thừa so với chỉ tiêu được giao là 5.705 người. Sở Nội vụ thành phố cho rằng, đây không phải nhân lực dôi dư mà đều đang làm việc tại cơ sở, để đáp ứng nhu cầu thực tế, bởi thành phố có quận, huyện nhiều dân hơn cả một tỉnh. Đơn cử, quận 12 có 520.000 dân, gần tương đương dân số của tỉnh Cao Bằng (530.341 người); quận Bình Tân có 703.000 dân, gần bằng tỉnh Hậu Giang (733.017 người).
Theo quan điểm của thành phố Hồ Chí Minh, số lượng 114.445 công chức, viên chức hiện có là không nhiều, nếu xét quy mô dân số thường xuyên là khoảng 13 triệu người. Ví dụ điển hình là thành phố Thủ Đức rộng khoảng 211km2, dân số hơn 1 triệu người, hiện có 9.907 công chức, viên chức. Con số này ít hơn 11.505 công chức, viên chức của tỉnh Bắc Kạn, nơi có 314.000 dân.
Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh thông tin, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng dôi dư nêu trên là việc từ năm 2003, thành phố phát sinh nhân sự từ việc tăng hai quận Bình Tân (tách từ huyện Bình Chánh), và Tân Phú (tách từ quận Tân Bình). Đồng thời, hàng loạt đơn vị mới được thành lập như Ban Quản lý khu công nghệ cao, Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao... Tuy vậy, tính theo số dân thì 1 công chức, viên chức của thành phố Hồ Chí Minh đang phải đảm nhận khối lượng công việc lớn gấp 3,2 lần trung bình cả nước. Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân nói: “Nếu cắt số công chức, viên chức đang thừa thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của thành phố”.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất trên cả nước còn tình trạng dôi dư biên chế. UBND thành phố phải có báo cáo giải trình thật kỹ về vấn đề này với Trung ương.
Đề xuất nhiều giải pháp Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, đến nay thành phố đã giảm 32.940 viên chức và khoảng 2.000 công chức. Việc còn dư hơn 5.700 công chức, viên chức hiện tại là do căn cứ vào quy định vị trí việc làm. Nhưng nếu căn cứ vào khối lượng công việc, thành phố vẫn thiếu người.
Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) Nguyễn Văn Ngân cho biết, phường rộng hơn 465ha với hơn 125.000 dân, gấp 8 lần quy chuẩn. Tuy nhiên, hiện phường chỉ có 35 công chức, viên chức nên luôn quá tải ở nhiều đầu việc. “Tôi đề xuất, với phường trên 50.000 dân thì cứ thêm 10.000 dân, bố trí thêm một công chức và một người hoạt động không chuyên trách”, ông Ngân nói.
Còn theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Sinh (Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh), thành phố có thể chủ động điều chuyển cán bộ giữa các địa bàn; nâng cao thu nhập cho nhân sự làm nhiều việc chứ không cào bằng như hiện nay. Ví dụ: Thu nhập của cán bộ phường Bình Hưng Hòa A (1 nhân lực phục vụ 4.000 dân) đang bằng với nhân sự phục vụ 430 người dân ở phường An Lợi Đông (thành phố Thủ Đức). Vì thế, cần có cơ chế đánh giá năng lực và trả thù lao tương xứng hơn.
Từ góc độ khác, Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung (Trường Đại học Kinh tế - Luật thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị Trung ương xem xét, cho phép thành phố được chủ động quyết định biên chế công chức, viên chức các cấp, căn cứ trên tổng số biên chế được Trung ương quy định; nhất là ở cấp cơ sở đang được trao thêm nhiều quyền, cần có đủ người làm…
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào các khâu công việc với mong muốn tiến bộ khoa học có thể từng bước thay thế 30% nhân lực thủ công; từng bước đề xuất lộ trình để cơ quan quản lý nhà nước quản lý bằng pháp luật, chuyển giao một số phần việc phù hợp cho xã hội; nghiên cứu đề xuất khoán chi theo định biên công chức, viên chức…
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang rà soát để giải trình với Trung ương về số biên chế chênh lệch so với chỉ tiêu được giao. Thành phố sẽ đề xuất theo hướng phát huy tự chủ và cơ chế xã hội hóa để vừa có đủ nhân lực làm việc, vừa giảm gánh nặng cho ngân sách.