Trị nạn bớt xén của công
Xây & Chống - Ngày đăng : 07:09, 25/07/2022
Bớt xén là hành vi lấy tài sản có giá trị của cá nhân hoặc tập thể để hưởng lợi riêng. Đây là hành vi xấu xa rất đáng lên án. Bởi bớt xén gây ra thâm hụt vật tư, tiền, phương tiện, cho ra những sản phẩm kém chất lượng, không đạt các tiêu chí về độ bền, độ an toàn, tính thẩm mỹ... khi sử dụng. Đồng thời, bớt xén vô tình tạo ra những “ông vua con”, “ông trời con”, quen thói “ăn trên, ngồi trước” trong chính bộ máy cơ quan công quyền của Nhà nước. Nhưng đáng nói hơn, bớt xén là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các hành vi trục lợi, câu kết trục lợi, tham ô, tham nhũng, gây mất niềm tin với nhân dân.
Thói bớt xén còn là một phần biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân và được hình thành từ tư duy tiểu nông gắn với xã hội phong kiến với nhiều khó khăn, thiếu thốn hoặc do công tác quản lý lỏng lẻo... Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch, tập trung quan liêu bao cấp, câu thành ngữ “giàu thủ kho, no nhà bếp” lan truyền rộng rãi. Những ngành nghề dễ có khả năng bớt xén được nhiều người theo đuổi, khiến hiện tượng ấy trở thành "thông lệ". Ngày nay, sau hơn 35 năm đổi mới, thói bớt xén không bị mất đi mà còn phát triển biến tướng, tinh vi hơn. Đó không chỉ là hành vi bớt xén từ cái nhỏ nhất như văn phòng phẩm mà còn bớt xén tiền, vật tư nhà nước giá trị lớn tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Không chỉ độc lập bớt xén mà nhiều nhóm cán bộ, đảng viên còn câu kết với nhau lập hồ sơ khống, nâng giá mua dây chuyền công nghệ, vật tư, phương tiện để bớt xén rất nhiều tiền, vật tư, phương tiện, đất đai của Nhà nước, làm giàu bất chính.
Năm 2021, ở xã Thiện Mỹ (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) đã phát hiện, xử lý kỷ luật một trường hợp là kế toán UBND xã Thiện Mỹ có biểu hiện bớt 1,5 triệu đồng tiền tiêu chuẩn hỗ trợ người dân chống dịch Covid-19. Cũng trong năm 2021, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử 36 bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" trong xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Theo kết quả điều tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hành vi bớt xén vật tư, khiến công trình vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, gây thiệt hại hơn 811 tỷ đồng…
Mới đây nhất, ngày 21-7-2022, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Quảng Trị xác nhận vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 2 cán bộ thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Trị để điều tra về hành vi tham ô tài sản. Cụ thể, 2 người này là Lê Quang Việt và Đỗ Đình Phi (cùng trú ở phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị). Cả 2 là nhân viên Khoa Xét nghiệm - chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng thuộc CDC Quảng Trị. Theo kết quả điều tra ban đầu, từ tháng 8-2020 đến tháng 7-2021, hai người được giao quản lý, sử dụng kit xét nghiệm PCR Covid-19 (do Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á cung cấp). Lợi dụng việc này, Việt và Phi đã lấy kit xét nghiệm có giá trị gần 1 tỷ đồng bán lại cho Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nhằm thu lợi bất chính.
Từ những vụ việc điển hình trên cho thấy, bớt xén là biểu hiện của giá trị đạo đức, nhân cách xã hội bị xuống cấp, nhưng tai hại hơn là thể hiện tầm nhìn thiển cận và công tác quản lý yếu kém, gây mất niềm tin nghiêm trọng với nhân dân. Đây chính là những căn nguyên sâu xa và trực tiếp góp phần dẫn đến hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đã chỉ rõ nguyên nhân của những yếu kém, hạn chế này. Đó là: “Không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, mất đoàn kết nội bộ, chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", thậm chí còn cục bộ, lợi ích”.
Để ngăn chặn hiện tượng bớt xén xảy ra trong các cơ quan, đơn vị, địa phương thì cốt yếu của vấn đề là duy trì nghiêm kỷ luật công tác, nhất là kỷ luật trong quản lý tài sản, vật tư, đất đai, kinh phí... của Nhà nước. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục đạo đức, nhân cách của cán bộ, đảng viên nhiều hơn nữa; cần phát hiện, xử lý, cho ra khỏi đội ngũ những cán bộ, đảng viên có hành vi, biểu hiện bớt xén hoặc thông đồng với nhau để bớt xén.
Ở tầm vĩ mô, cần tiếp tục cải cách tiền lương, bảo đảm đời sống cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường luân chuyển với những cán bộ, đảng viên giữ các cương vị quản lý phương tiện, vật tư, đất đai, tài sản có nguy cơ dễ sa vào bớt xén. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những cán bộ có tư tưởng bớt xén bằng cách “bảo kê”, “bật đèn xanh”, giúp tổ chức, cá nhân tiếp cận đề án, dự án nhằm thông đồng lấy "hoa hồng", ăn chia, biến của công thành của tư.
Hiện nay, ranh giới giữa bớt xén và tham ô, tham nhũng ở đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị chỉ là một bước rất ngắn. Nói cách khác, tham ô, tham nhũng, trục lợi cơ chế, chính sách là hành vi phát triển cao hơn từ thói quen bớt xén của công. Trị dứt điểm thói bớt xén là làm trong sạch môi trường phục vụ, để công tác quản lý, lãnh đạo hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn, cống hiến nhiều hơn; góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.