Khơi thông hành lang pháp lý
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 26/07/2022
Chính sách pháp luật về đất đai, đặc biệt là Luật Đất đai năm 2013 đã tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng đất hợp lý, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận: Đất đai chưa thực sự trở thành nguồn động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Luật Đất đai năm 2013 có một “khoảng cách” so với thực tiễn và nhiều quy định ở các bộ luật liên quan không tương thích với luật này.
Những câu chuyện về chậm triển khai cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất… làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, gây thất thu ngân sách nhà nước; tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai… hay những “sóng gió” trên thị trường bất động sản cũng như việc xác định giá đất thấp hơn giá thị trường cho thấy không ít vấn đề đang đặt ra. Đặc biệt khi thị trường đã xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh mới thì việc khai thông các “điểm nghẽn” để nguồn lực đất đai trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội phải trở thành nhiệm vụ hàng đầu.
Và để hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đai, việc cần ưu tiên là sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, qua đó tạo hành lang pháp lý khai thông ách tắc, khắc phục hạn chế, bất cập trong các lĩnh vực quy hoạch sử dụng đất; hỗ trợ, thu hồi đất; công nhận hạn mức đất…
Theo giới nghiên cứu, quản lý đất đai, bất động sản…, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là cần thiết và phải đưa ra được một hệ thống chính sách phù hợp dựa trên các nguyên tắc: Quản lý chặt chẽ đất đai thuộc tài sản công, khuyến khích việc sử dụng đất của người dân, không để lãng phí nguồn lực đất đai…, qua đó tạo cơ chế phù hợp tăng nguồn thu từ đất. Cùng với đó là các quy định cụ thể về đền bù, giải phóng mặt bằng… theo hướng bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Bên cạnh việc quy định cụ thể về mục đích sử dụng đất (đất cho nông nghiệp, du lịch…), cần xây dựng các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ, thống nhất về chính sách thuế đất đai, kinh doanh bất động sản… để điều tiết, sử dụng tài nguyên đất một cách phù hợp, tránh lãng phí hay sử dụng sai mục đích; đồng thời xử lý triệt để tình trạng “thổi giá”, đầu cơ, kê khai nộp thuế chuyển nhượng bất động sản hai giá… Mặt khác là tạo hành lang pháp lý cho các cấp chính quyền phê duyệt dự án đầu tư phát triển có liên quan đến lĩnh vực này.
Trong khi chờ đợi sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, cơ quan chức năng của Nhà nước cần rà soát, nghiên cứu các cơ chế đặc thù rút ngắn thời gian bồi thường, tái định cư, bàn giao mặt bằng dự án…; tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn”, khơi thông ách tắc trong các lĩnh vực quy hoạch, quản lý, sử dụng đất… Đặc biệt cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh, “không có vùng cấm” đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai…