Kết nối, bảo đảm nguồn cung thực phẩm sạch
Nông nghiệp - Ngày đăng : 13:43, 30/08/2022
Đây là nội dung được thảo luận trong hội nghị đánh giá kết quả giao thương chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố năm 2022 do Sở NN&PTNT tổ chức, ngày 30-8.
Các bên cùng hưởng lợi
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, đến nay, Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng và phát triển được 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (tăng 140 chuỗi so với giai đoạn 2015-2020).
Riêng Hà Nội đã xây dựng và phát triển được 159 chuỗi, trong đó, nhiều chuỗi được tổ chức khép kín từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu thụ sản phẩm, tạo thương hiệu mạnh trên thị trường. Một số địa phương phát triển được nhiều chuỗi đưa về Hà Nội tiêu thụ: Sơn La 144 chuỗi, Hòa Bình 65 chuỗi, Lào Cai 53 chuỗi, Hưng Yên 41 chuỗi, Đồng Tháp 28 chuỗi, Lâm Đồng 15 chuỗi, Tiền Giang 20 chuỗi...
"Do đẩy mạnh liên kết chuỗi, trong 6 tháng đầu năm 2022, các tỉnh, thành phố đã cung cấp cho Hà Nội khoảng 125.300 tấn rau; 41.198 tấn trái cây; 46.484 tấn thịt; hơn 100 triệu quả trứng; 5.844 tấn thủy sản; 15.000 tấn thực phẩm chế biến; 37.792 tấn lương thực... góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm sạch. Doanh nghiệp và các hợp tác xã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, hai bên cùng có lợi", ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La Cầm Thị Phong, hiện nay, Sơn La có 242 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, trong đó có 84 chuỗi liên kết tiêu thụ tại Hà Nội, cung cấp khoảng 7.200 tấn rau củ quả, 290 tấn thực phẩm chế biến cho người tiêu dùng Thủ đô. Việc liên kết phối hợp tiêu thụ nông sản an toàn giữa tỉnh Sơn La với Hà Nội đã giúp các hợp tác xã ổn định về thị trường tiêu thụ và lập kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Ở góc độ của người sản xuất, ông Hoàng Văn Vương - đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Trại Sơn (tỉnh Hòa Bình) cho biết, để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hợp tác xã đã ký hợp đồng cung ứng rau cho chuỗi siêu thị Winmart, BigC và các cửa hàng rau sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trung bình một ngày, hợp tác xã thu hoạch và tiêu thụ 1-2 tạ rau an toàn.
Là một trong những đơn vị thực hiện liên kết với các hợp tác xã của Hà Nội và các tỉnh, thành phố, bà Bùi Thị Hạnh Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh và chế biến nông sản Bảo Minh cho biết, công ty đã liên kết sản xuất với 24 tỉnh, thành phố trong cả nước với 40 loại đặc sản vùng miền, bao gồm lúa, gạo và sản phẩm từ lúa gạo. Bảo Minh hiện có 7.000ha sản xuất vùng đệm và 2.000ha vùng lõi sản xuất hữu cơ, đủ nguồn cung cấp cho các đối tác.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Hiệu quả của việc liên kết chuỗi cung cấp nông sản an toàn giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố đã rõ, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn khó khăn.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, trong 8 tháng năm 2022, Chi cục đã lấy 167 mẫu nông, lâm, thủy sản từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội tiêu thụ để xét nghiệm, trong đó có 158 mẫu đạt tiêu chuẩn, phát hiện 9 mẫu vi phạm chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Đối với các mẫu không đạt yêu cầu, Chi cục đã thông báo kịp thời cho các tỉnh, thành phố để truy xuất nguồn gốc xuất xứ và xử lý vi phạm...
Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai Đoàn Ngọc Có cho biết, các chuỗi liên kết chưa hoàn chỉnh, quy mô liên kết nhỏ, sản lượng thấp, chủ yếu là sản phẩm tươi sống; việc liên kết giữa các doanh nghiệp với người sản xuất còn lỏng lẻo, dẫn tới tình trạng phá hợp đồng thường xuyên xảy ra...
Để tháo gỡ chuỗi liên kết, theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thùy Dương, các tỉnh, thành phố và Hà Nội cần làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, hình thành mô hình nông nghiệp công nghệ cao để tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với người dân ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Sở tiếp tục tập trung rà soát các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm định hướng xây dựng chuỗi liên kết đáp ứng yêu cầu mới; đồng thời tham mưu thành phố có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, nhà xưởng chế biến nông sản cho doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, lấy mẫu giám sát chất lượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc, sử dụng mã QR để minh bạch thông tin sản phẩm trên thị trường.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục tăng cường chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ các tỉnh, thành phố triển khai, định hướng tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất; triển khai đồng bộ các chương trình ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản có chất lượng cao, bảo đảm nguồn cung thực phẩm sạch cho người tiêu dùng...