Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng làm việc tại tỉnh Bình Định
Chính trị - Ngày đăng : 16:10, 28/07/2022
Báo cáo với Đoàn công tác Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn cho biết: Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung triển khai, quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nhằm sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức xây dựng Đảng, chính quyền, dân vận, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu gây thiên tai, lũ lụt; sự biến động giá cả nguyên, nhiên liệu…, tuy nhiên, với sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân, tỉnh đã có bước phát triển, đạt nhiều kết quả khá tích cực trên tất cả mọi mặt.
Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) năm 2021 tăng 4,11%; 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7,01%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2021 đạt 2.591 USD. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 đạt 42.366 tỷ đồng, tăng 10,35% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt hơn 14.750 tỷ đồng, tăng 10,5%. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt 94,91%; 6 tháng đầu năm nay đạt 41,3%...
Các ngành, lĩnh vực kinh tế từng bước được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được tập trung đầu tư, nâng cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, các chỉ số đánh giá cấp tỉnh đều được cải thiện mạnh mẽ. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc người có công và các đối tượng yếu thế trong xã hội đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh còn 3,13%, giảm 0,98% so với năm 2020.
Kết quả tích cực đó có được là nhờ Đảng bộ, các cấp chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội sớm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX bằng các chương trình hành động, kế hoạch, đề án thực hiện trên từng lĩnh vực; khơi dậy ý chí quyết tâm, khát vọng phát triển trong toàn Đảng bộ. Các nhiệm vụ trọng tâm được triển khai thực hiện có hiệu quả; tập trung củng cố hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường sự đồng thuận trong nhân dân; huy động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định kiến nghị: Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét ban hành hướng dẫn cụ thể về xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức thực hiện cụ thể việc bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp không phải là người địa phương theo Quy định số 65-QĐ/TƯ ngày 28-4-2022 của Bộ Chính trị; quan tâm phân bổ biên chế các cơ quan khối Đảng giai đoạn 2021-2026 theo tinh thần Kết luận số 28-KL/TƯ ngày 21-2-2022 của Bộ Chính trị; ban hành quy định thống nhất về cơ cấu bộ máy các phòng chuyên môn thuộc các ban tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp tỉnh, tạo sự đồng nhất, thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, có ý kiến để Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch các vùng trong cả nước, trong đó có quy hoạch Vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, định hướng về tăng cường liên kết các địa phương trong vùng… để Bình Định và các tỉnh khác trong vùng có cơ sở rà soát, hoàn thiện quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; sớm triển khai đầu tư tuyến cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai) với chiều dài 160km; chấp thuận cho Khu đô thị khoa học Quy Hòa (thành phố Quy Nhơn) được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn đầu tư, tiền thuê đất, thuế, xuất - nhập cảnh; xây dựng, ban hành Đề án tổng thể về phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu các tỉnh miền Trung giai đoạn 2022-2026 và đề xuất vay vốn ODA để thực hiện, giúp các địa phương có đủ cơ sở và nguồn lực tổ chức triển khai thực hiện.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định đã đạt được. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh Bình Định đã rất nỗ lực đổi mới, đoàn kết, phát triển năng động, thể hiện được khát vọng phát triển phồn vinh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị, phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Đảng bộ, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tiếp tục tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp ở từng địa phương, đơn vị.
Trong đó, tỉnh cần chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tránh bệnh thành tích trong nội bộ Đảng. Các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả 7 chương trình hành động của Tỉnh ủy; thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội; thúc đẩy 5 trụ cột tăng trưởng và 3 khâu đột phá chiến lược mà tỉnh đã đề ra; quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Bình Định sớm trở thành một trong các tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung.
Về những kiến nghị của Tỉnh ủy Bình Định, Thường trực Ban Bí thư thông tin, một số nội dung, lĩnh vực đang được nghiên cứu, xem xét điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với tình hình hiện nay.