Chặn đứng ''tín dụng đen''
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:38, 29/07/2022
Theo ghi nhận của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, từ đầu năm 2022 đến nay đã có hơn 2.600 người phản ánh bị lừa đảo, trong đó, số người phản ánh về các ứng dụng điện thoại (app) liên quan tới “tín dụng đen” chiếm 30%. Đáng nói, trong quá trình hoạt động “tín dụng đen”, giữa người cho vay với người đi vay thường xảy ra mâu thuẫn dẫn đến hiện tượng đòi nợ thuê, bôi nhọ danh dự, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản…
Thống kê cho thấy, từ ngày 15-4-2019 đến 14-4-2022, toàn thành phố Hà Nội phát hiện 169 vụ với 385 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”. Tòa án nhân dân thành phố và cấp huyện đã xét xử 45 vụ án với 130 bị cáo về tội danh “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”…
Để đẩy lùi “tín dụng đen”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25-4-2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Thực hiện chỉ thị này, các cơ quan chức năng, địa phương đã tích cực vào cuộc, hoạt động “tín dụng đen” tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 làm thiệt hại nặng nề mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng liên quan đến “tín dụng đen” ngày càng phức tạp. Trong khi đó, các giải pháp quản lý nhà nước trong việc định danh số tài khoản mạng xã hội, ngăn chặn số thuê bao không chính chủ, kiểm soát các ứng dụng, website có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi vẫn còn một số hạn chế. Vì thế, để chặn đứng nạn “tín dụng đen”, những tồn tại, hạn chế này cần được các cơ quan chức năng, địa phương sớm khắc phục bằng hệ thống giải pháp hiệu quả về lâu dài.
Cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay, xử lý nghiêm nạn “tín dụng đen”, các tổ chức tín dụng cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Theo đó, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, triển khai các chính sách cho vay ở vùng sâu, vùng xa. Công việc này cần làm thực chất, hiệu quả hơn.
Ngoài ra, cần nghiên cứu giải pháp tài chính vi mô được nhiều nước trên thế giới quan tâm, chú trọng. Trong đó, đối tượng cho vay là số đông người lao động, tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ chưa đủ điều kiện vay tiền theo yêu cầu của ngân hàng thương mại. Tại Việt Nam, hiện cũng có các tổ chức tài chính vi mô của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, các tổ chức tài chính vi mô này vẫn bị hạn chế bởi tính hành chính, chỉ gắn với các hoạt động của phụ nữ, người lao động… Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, tháo gỡ những khó khăn, bất cập để khơi thông nguồn tài chính này trong phạm vi luật pháp cho phép.
Đối với người dân, cần nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân, tài khoản cá nhân, không chia sẻ hình ảnh căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân trên mạng xã hội để phòng ngừa tội phạm “tín dụng đen”, qua đó góp phần chặn đứng loại tội phạm này.